Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam, năm 2017 là năm thứ hai hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đổi mới toàn diện công tác Khuyến nông trong tình hình mới, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác khuyến nông phục vụ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, thực hiện có hai nhiệm vụ lớn của Ngành là tái cơ cấu Ngành theo hướng “nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, đổi mới về tư duy và cách tiếp cận, trong đó, cần phải xem nông dân, doanh nghiệp là “khách hàng”, công tác khuyến nông phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng thay vì xem họ là “người cần được hỗ trợ, giúp đỡ” như trước đây; tăng cường công tác dịch vụ hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp, là người bạn đáng tin cậy của nông dân, doanh nghiệp. Công tác khuyến nông là “cầu nối” giữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, thị trường đến với nông dân, với sản xuất và ngược lại. Vì vậy, đội ngũ cán bộ khuyến nông không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn thông tường chính sách, phải nhiệt tình, gần dân, khiêm tốn cầu thị, nhất là trau dồi kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao và kiến thức về thị trường. Đổi mới cách tiếp cận khuyến nông từ yêu cầu sản xuất như trước đây sang tiếp cận từ yêu cầu thị trường (Sản xuất cái gì? Khi nào? Số lượng bao nhiêu? Mẫu mã chất lượng ra sao?) vì xét cho cùng, thị trường quyết định đến sản xuất và yêu cầu sản xuất phải lựa chọn áp dụng khoa học - cộng nghệ sao cho phù hợp.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trên địa bàn Quảng Nam

Chủ trương về liên kết sản xuất, gắn với bao tiêu nông sản đã được tỉnh Quảng Nam triển khai từ rất sớm, từ khi tái lập tỉnh và thành công nhất là liên kết trong sản xuất lúa giống, ngô giống. Hằng năm, Quảng Nam có trên 30 công ty sản xuất hạt giống lúa có liên kết với nông dân, hợp tác xã, sản xuất bao tiêu sản phẩm và từng bước xây dựng, phát triển nhãn hiệu lúa giống, thương hiệu của công ty. Nhiều công ty sản xuất giống cây trồng lớn của cả nước đều có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Quảng Nam từ rất sớm, điển hình như: Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Tập đoàn Nông nghiệp Quảng Bình, Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Hải Phòng… Việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng, quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả từ các mối liên kết này là tiền đề và là bài học quý cho các mối liên kết trên các lĩnh vực khác nhau.

Hiện nay, hệ thống khuyến nông Quảng Nam đã và đang hỗ trợ, làm cầu nối liên kết và kết nối với khoảng 40 doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên các lĩnh vực: trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản.

Mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm: ớt xen đậu cô ve tại HTX Đại Minh – Đại Lộc – Quảng Nam


Một số kết quả liên kết trong năm 2017

Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam đã chỉ đạo hệ thống phục vụ sản xuất nông nghiệp triển khai các mô hình khuyến nông gắn với doanh nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên nhiều lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu…). Tập trung cao cho sự chỉ đạo liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khâu tiêu thụ (gắn với việc liên kết 4 nhà). Có hơn 6.000 ha/năm diện tích được xây dựng cánh đồng lớn (giống lúa, ngô, đậu xanh, lạc, ớt, dưa hấu…). 

Duy trì hằng năm, liên kết sản xuất lúa giống 3.000 - 4.000 ha/năm (trong đó có 300 - 350 ha lúa lai); liên kết sản xuất hạt giống đậu xanh khoảng 300 ha/năm, giống ngô khoảng 30 ha/năm… Diện tích liên kết sản xuất giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân địa phương từ 20 - 30 %. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất cây lạc, dưa leo, bí đỏ, ngô, ớt… cho thu nhập cao hơn sản xuất bình thường 10 -20 %.

Trong chăn nuôi, hình thức liên kết liên doanh trong sản xuất giữa các hộ chăn nuôi với nhau và giữa hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp (Công ty Cổ phần chăn nuôi CP, Công ty Thái Việt...) trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển, bước đầu mạng lại hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 60/130 trang trại chăn nuôi gia công, liên kết sản xuất với doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài (trong đó có 47 trang trại chăn nuôi lợn thịt và 13 trang trại chăn nuôi gà thịt) và 06 tổ hợp tác chăn nuôi (trong đó: 02 tổ hợp tác chăn nuôi bò, 01 tổ hợp tác chăn nuôi lợn và 03 tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm). Bên cạnh đó, Trung tâm còn xây dựng các mô hình khuyến nông có định hướng thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như: mô hình chăn nuôi lợn nái tạo lợn sữa liên kết thị trường, mô hình heo thịt theo chuỗi giá trị, mô hình chăn nuôi vịt biển sinh sản và hỗ trợ đầu ra cho nông dân thông qua các nhà hàng, quán ăn,... tạo đầu ra ổn định cho nông dân.

Đối với các loại nông sản khác có: Liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm lạc, ngô (Trung tâm Chuyển giao KHCN và Khuyến nông - Viện KHNN Duyên hải Nam Trung bộ, Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam); Liên kết, hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm sắn (Công ty CP Focosev, Nhà máy tinh bột sắn Quảng Nam); Sản xuất và bao tiêu rau, củ quả các loại (Công ty TNHH Thương mại & Xuất nhập khẩu Việt Thắng, Hợp tác xã Mỹ Hưng, Công ty TNHH Đông Phương); Liên kết, hỗ trợ giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản (Công ty Cổ phần chăn nuôi CP, Cty Việt Úc, Cty Uni President, Cty Grobest, Công ty Việt Hoa...); Liên kết, đầu tư trong khai thác hải sản (Công ty CP Thiết bị hàng hải MeCom, Cty CP Điện tử hàng hải Fruno, Cty TNHH Điện tử Viễn thông Hải Đăng, Công ty CP Rạng Đông...). Trong lâm nghiệp cũng liên kết với nhiều công ty, nhà máy mua gỗ chế biến dăm xuất khẩu.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình trình diễn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiện nay Trung tâm và các địa phương cũng hết sức chú trọng nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất nông sản an toàn, sạch, hữu cơ có hiệu quả cao từ các năm trước. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò làm cầu nối, tư vấn, hỗ trợ  doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết tổ chức sản xuất, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới… đến với nông dân.

Hệ thống khuyến nông làm cầu nối để các doanh nghiệp phối hợp với nhau, giữa doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các địa phương tiếp tục kết nối, giúp đỡ các doanh nghiệp đã và đang triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ, liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm cho nông dân (lúa, lạc, ngô, rau và các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) như: Công ty TNHH TMDV Việt Thắng ký kết hợp đồng hợp tác sản xuất ớt bao tiêu tại Nông Sơn, Tam Kỳ (kết quả Nông Sơn: 12 ha, HTX Nông nghiệp Đông Hành - Tam Ngọc: 4 ha, công ty mua ớt bảo đảm giá sàn: ớt chỉ địa, trái lớn 4.000 đồng/kg, ớt chỉ thiên, trái nhỏ: 8.000 đồng/kg); Công ty Việt Hoa mua ớt cho nông dân (bằng giá Công ty TNHH TMDV Việt Thắng), nhờ đó giúp giá ớt ổn định ở mức chấp nhận được, tránh bị tư thương thu gom ép giá; Công ty Đông Phương sản xuất thử củ cải, bí đỏ Nhật thành công làm cơ sở để công ty ký kết với các HTX Nông nghiệp của tỉnh, sản xuất bao tiêu sản phẩm ổn định trong thời gian đến (hiện Công ty đã làm thêm nhà máy chế biến rau quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho Nhật).

Ngoài ra, còn phối hợp với Trung tâm Hành chính công&Xúc tiến đầu tư tỉnh, UBND các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên khảo sát chọn điểm để Công ty Dâu tằm Mỹ lựa chọn nghiên cứu đầu tư (đã chọn điểm chính thức Đại Hiệp - Đại Lộc, điểm tạm thời Điện Quang - Điện Bàn); Chọn điểm cho Công ty TNHH TMDV Việt Thắng xây dựng nhà máy chế biến mới (Tại Cụm công nghiệp Đông Quế Sơn).

Phối hợp làm việc với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đẩy mạnh chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn, các doanh nghiệp, hợp tác xã; tham mưu để Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, thông qua diễn đàn giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân hiểu và thấy được sự cần thiết xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Phối hợp với Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, Viện công nghệ thông tin & Truyền thông (CDiT) tập huấn cho 40 doanh nghiệp, Hợp tác xã của tỉnh về “Startup, tem điện tử và xác thực nguồn gốc hàng hóa phục vụ doanh nghiệp”. Qua lớp tập huấn các doanh nghiệp, HTX được cấp miễn phí Tem truy xuất nguồn gốc QR Code cho các sản phẩm tiêu biểu của mình.

Hỗ trợ cho Công ty CP Hưng Trung Việt xây dựng và cấp mã QRCode cho sản phẩm lúa đen sản xuất theo hướng hữu cơ tại Bình Quý – Thăng Bình. Ở một số huyện có điều kiện và kinh nghiệm đã triển khai công tác dịch vụ: tư vấn kỹ thuật, giống cây trồng, con vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân cung ứng nguồn vật tư đầu vào đáng tin cậy và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Những giải pháp đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi

Những kết quả trên chỉ là kết quả ban đầu, còn rất khiêm tốn so với yêu cầu của sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Quảng Nam. Để triển khai công hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mối liên kết bền vững với nhóm hộ, THT, HTX, nông dân trong sản xuất bao tiêu sản phẩm, thiết nghĩ cần có những giải pháp như sau:

- Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách của Trung ương, tỉnh về: tín dụng, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi...

- Tỉnh và địa phương quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ với các hợp tác xã đồng thời nâng cao năng lực các HTX, hỗ trợ tiếp cận thị trường, đàm phán ký kết hợp đồng, xây dựng kế hoạch sản xuất và quản lý vận hành kế hoạch...

- Tăng cường công tác tích tụ ruộng đất, các cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt qui mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết sản xuất.

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm để các sản phẩm đã và đang xây dựng thương hiệu có chất lượng tốt, ổn định, dần khẳng định vị thế trên thị trường; Có tem chống hàng giả, tem điện tử truy xuất nguồn gốc; Mời gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh.

- Phát triển hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản; Xây dựng các chợ đầu mối về nông sản một cách bài bản gắn với hệ thống giám sát chất lượng nông sản ngay từ các chợ đầu mối.

- Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp an toàn, gắn với chuỗi giá trị nông sản, áp dụng khoa học công nghệ  (KHCN) từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối sản phẩm; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm canh nông.

Để thực hiện tốt các giải pháp trên, cần sự quan tâm chỉ đạo của các ngành các cấp, sự vào cuộc của nông dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. Trong đó, hệ thống khuyến nông, trước hết là khuyến nông nhà nước từ tỉnh đến cơ sở phải là người đi tiên phong, đóng vai trò cầu nối, tuyên truyền chủ trương, chính sách, chuyển giao tiến bộ KHCN, đặc biệt là làm cầu nối trong mối liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp.

Võ Văn Nghi

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam