Nhằm đánh giá kết quả đạt được của dự án trong năm 2017, giúp các địa phương định hướng công tác thông tin tuyên truyền và nhân rộng mô hình trong sản xuất lúa khu vực phía Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo sơ kết dự án. TS. Trần Văn Khởi – Q Giám đốc TTKNQG, TS. Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu là đại diện của Cục Trồng trọt, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật trung tâm khuyến nông 05 tỉnh ĐBSCL: Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tây Ninh và hơn 60 nông dân của tỉnh Kiên Giang.

Trước khi tham dự hội thảo, các đại biểu đã tham quan mô hình lúa cấy 20 ngày tuổi và xem trình diễn cấy lúa bằng máy tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Các đại biểu được nghe chủ nhiệm dự án báo cáo sơ kết việc thực hiện dự án năm 2017.

Các đại biểu tham quan mô hình tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang

Kết quả dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam” năm 2017 đạt được mục tiêu về qui mô và hiệu quả kinh tế.

Dự án hỗ trợ 300 ha thực hiện xây dựng cánh đồng lúa thâm canh ở 6 tỉnh (Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Tây Ninh và Bình Thuận), mỗi tỉnh 50 ha. Các giống lúa sản xuất chủ yếu là Đài thơm 8, OM 5451, Jasmine 85. Việc lựa chọn điểm triển khai mô hình điển hình, phương pháp thực hiện đúng quy trình nên kết quả thu được có tính thuyết phục cao. Các điểm trình diễn đều đạt tiêu chuẩn là điểm điển hình để nông dân tham quan học tập. Đặc biệt, nông dân đánh giá cao tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng trong mô hình. Ruộng mô hình cấy thưa nên lúa quang hợp tốt, phát triển khỏe, cứng cây, ít sâu bệnh hại, số hạt chắc trên bông cao. Năng suất lúa đạt bình quân trong mô hình 5,5 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,5 tấn/ha.

Mô hình cơ giới hóa đã hỗ trợ 7 máy cấy cho 6 tỉnh tại 6 điểm mô hình; 50 bình phun động cơ cho 5 tỉnh tại 5 điểm. Năng suất hoạt động máy cấy đảm bảo 1-1,2 ha/ngày (máy cấy 2 bánh); 3-4 ha/ngày (máy cấy 4 bánh); tăng năng suất lao động từ 10 -13 lần. Năng suất hoạt động bình phun động cơ 5-6 ha/ngày, tăng năng suất lao động 5 lần.

Thông qua dự án đã hình thành 7 tổ liên kết tại 6 tỉnh, trong đó Vĩnh Long thành lập 02 tổ.

Hiệu quả mô hình về các chỉ tiêu kỹ thuật: giảm giống 110 kg/ha; giảm lượng phân N: 25 kg/ha; giảm phân lân: 10 kg/ha; giảm phân kali 15 kg/ha; giảm số lần phun thuốc BVTV: 3,4 lần.

Hiệu quả kinh tế, trung bình mô hình lúa của dự án cao hơn sản xuất đại trà bình quân khoảng 5 triệu đồng/ha. Riêng tỉnh Trà Vinh chênh lệch lợi nhuận cao nhất là gần 10 triệu đồng/ha.

Hiệu quả về kinh tế với máy cấy có thể thu được khoảng 1,8 triệu đồng/ha lúa cấy và xu hướng hoạt động ra cả ngoài vùng dự án nên sẽ thu hồi vốn nhanh.

Tại hội thảo, các đại biểu và bà con nông dân tập trung thảo luận một số vấn đề như: Lượng giống là 50kg/ha cho lúa cấy là hợp lý, tuy nhiên khoảng cách mật độ cấy có thể điều chỉnh theo giống lúa và điều kiện canh tác; Vai trò của chính quyền địa phương trong việc tổ chức và lan tỏa mô hình; Lợi ích của việc giảm lượng hạt giống/ha...

TS. Trần Văn Khởi phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc TTKNQG đề nghị chủ nhiệm dự án tiếp tục theo dõi kết quả mô hình tại các địa phương, báo cáo bám sát mục tiêu của dự án như hiệu quả kinh tế của mô hình thâm canh lúa cấy, hiệu quả máy sử dụng, hiệu quả liên kết sản xuất; chuẩn bị nội dung báo cáo cho nghiệm thu kết quả hàng năm, xây dựng chi tiết kế hoạch 2018, những địa phương làm vụ đông xuân 2017-2018 cần có biên bản thỏa thuận trước.

Trung tâm khuyến nông các tỉnh thực hiện dự án cần hoàn thiện báo cáo năm, nêu rõ hiệu quả của mô hình, mặt được và chưa đạt trong mô hình; Đề xuất nội dung điều chỉnh năm 2018 nếu cần; Tiếp tục tuyên truyền kết quả mô hình để lan tỏa, lồng ghép với chương trình VnSAT nhằm mở rộng mô hình; Đề xuất tuyên dương, khen thưởng các hợp tác xã, tổ hợp tác điển hình để tuyên dương kịp thời…

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia