Nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm từ các loại cây dược liệu trên thị trường ngày càng tăng, một số hộ dân tại thôn Thanh Mai và thôn Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những sườn đồi kém hiệu quả chuyển sang đầu tư xây dựng mô hình trồng cây kim Ngân cho thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng, nhờ đó đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Sản xuất cây dược liệu tại địa phương là đang là hướng đi mới phù hợp với bà con sinh sống tại đây, vừa có thể mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt phù hợp với việc tái cơ cấu nông nghiệp, sử dụng đất trồng có hiệu quả hơn…

Cây kim ngân là một loại dược liệu quý, toàn bộ lá, thân, gốc đều dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh nên được thị trường rất ưa chuộng. Trước đây người dân thường thu hái hoa kim ngân hoang dại sấy khô làm trà hoặc làm thuốc. Thế nhưng một vài năm trở lại đây cây kim ngân đã được nhân giống và trồng thành công tại xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Lê Lợi, phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến, TP Chí Linh...

Cây kim ngân là một loại dược liệu quý, toàn bộ lá, thân, gốc đều dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh

 

Với mục tiêu đưa thêm giống cây mới vào trồng trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao năng suất cây trồng theo hướng bền vững, năm 2018, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trồng thử nghiệm 1,5 ha cây kim ngân hoa tại thôn Thanh Mai và thôn Đá Bạc xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh. Viện đã tiến hành nhân giống cây kim ngân bằng cách: Nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm hom, sử dụng hai chất điều hòa sinh trưởng IBA và IAA nồng độ 1.500ppm cho tỷ lệ ra rễ và chiều dài rễ đạt cao nhất.

Để triển khai thực hiện được mô hình, các hộ dân được Viện Khoa học công nghệ chuyển giao khoa học kỹ thuật từ ươm giống, trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch và bảo quản sản phẩm; đồng thời các hộ dân cũng tự thành lập tổ nhóm giúp nhau về kỹ thuật ươm, chiết nhân giống về trồng tại vườn nhà. Đặc biệt bà con được giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch.

Qua triển khai, mô hình trồng cây kim ngân sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại. Cây thích hợp trồng trên đất thịt, đất pha cát, cây chịu ẩm, phương pháp trồng đơn giản. Người dân có thể trồng bằng cách dâm cành, cắt những cành khỏe dài chừng 20-60cm, dâm vào bầu hoặc xuống vườn ươm, thời kỳ đầu cần tưới ẩm, cành sẽ sinh trưởng. Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào tháng 9-10 hoặc tháng 2-3, trồng theo luống, hàng như trồng cà phê, chè… Chỉ cần giữ ẩm cho cây. Sau hơn một năm trồng, cây sẽ ra hoa. Đến năm thứ 2 cây sinh trưởng tốt sẽ ra hoa cả năm, tuổi thọ của cây sẽ kéo dài nhiều năm, việc thu hái, chế biến đơn giản, bảo quản dễ dàng.

Mỗi năm cây kim ngân cho thu hoạch 2 vụ, vụ thứ nhất thu hoạch vào tháng 4 và tháng 5; vụ thứ hai thu hoạch vào tháng 8 và tháng 9. Khi thu hoạch, lấy cả thân lá và hoa làm dược liệu. Cây kim ngân là dược liệu quý tự kháng sâu rầy nên quá trình canh tác không phải xịt thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cung cấp nguồn dược liệu sạch. Hiện nhu cầu tiêu thụ cây kim ngân hoa trên thị trường trong và ngoài nước đang rất có triển vọng. Do khả năng thích nghi với môi trường tốt nên cây kim ngân hoa có thể sống chung với một số loài cỏ dại mà không bị sâu bệnh hay còi cọc. Trung bình 1 sào thu được 6 tạ cây khô với giá bán từ 25 -30 nghìn/kg. Hoa kim ngân có giá cao lên tới 300-400 nghìn đồng/kg. Như vậy 1 ha cho thu từ 300 - 400 triệu đồng. Tính trung bình, mỗi sào thu lãi từ 25 đến 30 triệu đồng, cao hơn một số cây trồng khác.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng cây kim ngân tại thôn Đá Bạc, anh Đường Quang Chiến cho biết: “Trước đây, diện tích sườn đồi tại địa phương chủ yếu là trồng keo và cây bạch đàn kém hiệu quả, mỗi năm trừ chi phí đầu vào chỉ cho thu lãi 30 – 40 triệu đồng/ha. Một số năm trở lại đây, người dân trong thôn đã chuyển đổi phát triển cây kim ngân, nhận thấy lợi thế cây kim ngân là đầu tư một lần có thể cho thu hoạch từ 10 – 20 năm. Cây kim ngân dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế gấp 4 – 5 lần với cây trồng cũ tại địa phương”. Do nhu cầu sử dụng dược liệu kim ngân làm thuốc ngày càng tăng, hiện nay gia đình anh Chiến đã phát triển diện tích cây kim ngân lên 1,5ha, trong đó có 1 ha kim ngân đang cho thu hoạch.

Anh Lý Văn Quyền, một trong những hộ dân đi đầu phát triển cây kim ngân tại địa phương chia sẻ: “Cây kim ngân hoa là một loại dược liệu, thuộc loại dây leo, có tác dụng điều trị các bệnh ngoài da và dùng đun nước uống để thanh nhiệt, giải độc, có thể bào chế thành nhiều loại thuốc quý, chữa nhiều loại bệnh khác nhau và độ an toàn cao. Mong muốn của các hộ tham gia trồng kim ngân hoa được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhất là được quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; có như vậy, sản phẩm cây kim ngân của bà con mới yên tâm đứng vững trên thị trường”.

Lý Văn Quyền, một trong những hộ dân đi đầu phát triển cây kim ngân tại xã Hoàng Hoa Thám

 

Từ những mảnh đất cằn cỗi của quê hương Thanh Mai, Đá Bạc, những cánh đồng kim ngân hoa của anh Chiến, anh Quyền đã trở thành những cánh đồng mẫu trong việc chuyển đổi cây trồng ở nơi đây. Phấn khởi với cuộc sống mới, người nông dân xã Hoàng Hoa Thám vẫn rất mong muốn được các cấp chính quyền và địa phương tạo điều kiện giúp đỡ phát triển Kim Ngân hoa trở thành một lại cây trồng chủ lực tại địa phương. Hiện nay Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đang tiếp tục triển khai dự án khoa học “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen và phát triển sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu kim ngân trên vùng đất Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh” tại thôn Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám cho hiệp hội trồng cây kim ngân tại địa phương. Với mức đầu tư 250 triệu đồng, trong đó hỗ trợ toàn bộ cây giống, đầu tư nhà lưới cho địa phương phát triển sản xuất, đảm bảo đầu ra. Có thể thấy việc phát triển trồng cây dược liệu không chỉ tạo cảnh quan môi trường sinh thái mà còn là nơi đa dạng các nguồn gen, bảo tồn sinh học. Đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Mặc dù đạt được hiệu quả cao, nhưng việc phát triển cây kim ngân tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng phục vụ trong sản xuất chuyên canh chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn. Từ hiệu quả kinh tế do cây cây kim ngân mang lại, xã Hoàng Hoa Thám đang khuyến khích người dân các thôn Tân Lập, Hố Giải cùng mở rộng diện tích trồng loại cây này. Mục tiêu phấn đấu tới đây sẽ mở rộng diện tích lên hơn 10 ha. Tuy nhiên, để cây kim ngân phát triển bền vững trên đất đồi rừng Hoàng Hoa Thám và một số phường xã khác, cần có quy hoạch và liên kết chặt chẽ với các đơn vị hướng dẫn kỹ thuật và thu mua ổn định để nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Phát triển cây dược liệu là hướng đi mới đang được xã Hoàng Hoa Thám khuyến khích đầu tư để phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển kinh tế bền vững cho nông dân và bảo vệ môi trường. Để thúc đẩy phát triển cây dược liệu nói chung và kim ngân hoa nói riêng, Hoàng Hoa Thám tiếp tục triển khai lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX tham gia các hội chợ, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch và định hướng, đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế của xã. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết, liên doanh với nông dân phát triển trồng dược liệu theo chuỗi cung ứng sản phẩm, xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu hướng tới xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho các sản phẩm nông sản địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn tại xã nhà.

Nguyễn Thị Tuyền

Trung tâm Khuyến Nông Hải Dương