Theo báo cáo của Tỉnh ủy Lai Châu, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2008-2017 bình quân đạt 3,85%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm tăng bình quân 5,07%/năm; năm 2017 so với năm 2008 tăng 1,56 lần (theo giá so sánh năm 2010). Thu nhập bình quân của cư dân nông thôn năm 2017 đạt 11,8 triệu đồng/người/năm, tăng trên 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2008. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2017 đạt 215 nghìn tấn, tăng  gần 71 nghìn tấn so với năm 2008; sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 480 kg/người/năm, tăng 80 kg/người/năm so với năm 2008. Diện tích sản xuất các cây trồng chính như: lúa, chè, cao su, mắc ca... không ngừng tăng qua các năm: diện tích lúa 32.848 ha; diện tích ngô 22.125 ha. Từ năm 2008 đến 2017, toàn tỉnh đã trồng mới được 1.802 ha chè, nâng tổng số diện tích chè đạt 5.030 ha; Trồng mới 12.831 ha cây cao su, nâng tổng diện tích cây cao su lên 13.220 ha; Tổng diện tích cây Mắc ca đạt 804 ha; quế 4.216 ha; cây ăn quả 5.771 ha, trong đó cây ăn quả có múi 508,6 ha, cây chuối 3.669 ha, cây ăn quả ôn đới 474 ha, cây ăn quả khác 1.119,5 ha. Tốc độ tăng đàn gia súc giai đoạn 2008-2017, tăng bình quân 4-5%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 911 ha, tăng 303 ha so với năm 2008; tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản năm 2017 đạt 2.400 tấn, tăng 1.393 tấn so với năm 2008. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2017 đạt 48,16%, tăng 10,06 % so với năm 2008; tổng diện tích đất có rừng là 434.521,58 ha, diện tích rừng trồng mới đạt 14.431 ha. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo tăng từ 21,3% năm 2008 lên 44,4% năm 2017. Chương trình xây dựng nông thôn mới bình quân đạt 12,78 tiêu chí/xã, có 24/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 29,83%. Đây là những kết quả khả quan và đáng khích lệ đối với một tỉnh miền núi còn nghèo như Lai Châu.

Niềm vui được mùa tại cánh đồng Mường Than, huyện Than Uyên

Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu đề ra mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 5-6%/năm, trong đó: trồng trọt 4,4%; chăn nuôi, thủy sản đạt 7,5%; lâm nghiệp đạt 6,5%. Sản lượng lương thực có hạt đạt 250.000 tấn. Giữ ổn định và đầu tư thâm canh diện tích chè 8.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 80.000 tấn/năm. Phát triển đạt 1.000 ha cây có múi. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt bình quân từ 4-5%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Có 70 – 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Thu nhập bình quân của cư dân nông thôn đạt 35 triệu đồng/năm; Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bình quân trên 6.500 lao động/năm; Giảm tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông - lâm - thủy sản xuống còn 74%; Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt trên 60%.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện gồm: Nâng cao nhận thức mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; Phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; Đẩy mạnh giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển khoa học và công nghệ; Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; Đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp.

Có thể nói, kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Lai Châu đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp được thực hiện hiệu quả; cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hiện đại, gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung ngày càng phát triển và mở rộng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nông thôn được nâng cao/.

Hoàng Đình Chinh

Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu