Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2015 – 2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt từ 5,4 – 5,6%, năm 2017 tốc độ tăng trưởng đạt 5,6%, đạt mục tiêu của đề án đề ra. GDP nông lâm nghiệp thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) năm 2017 đạt 3.184.780,79 tỷ đồng. Sản lượng lương thực có hạt năm 2017 đạt 215.000 tấn (tăng 25.780 tấn so với năm 2014), bình quân lương thực trên đầu người đạt 480 kg/người/năm. Hầu hết các chỉ tiêu đều được thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu đề án của tỉnh đặt ra, như: Diện tích đất trồng lúa ruộng năm 2017 đạt 29.124,3 ha, vượt 2.075 ha so với mục tiêu đề án; Sản lượng lúa đạt 141.460, vượt 5.971 tấn; Cây chuối đạt 3.669 ha, vượt xa mục tiêu đề án (đến năm 2017 là 40 ha); Cây ăn quả có múi 508,6 ha, vượt 358,5 ha; Cây ôn đới 474 ha, vượt 324 ha; Diện tích chè trồng mới đạt 2.020 ha, vượt 1.530 ha; Cây mắc ca 650 ha, vượt 460 ha; Nuôi cá lồng (hồ thủy điện) đạt trên 66.000m3, vượt trên 65.000m3...

Đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô 1.758 ha, năng suất 45,5 tạ/ha, sản lượng 8.000 tấn. Diện tích cây ăn quả đạt 5.771 ha, trong đó cây ăn quả có múi 508,6 ha, cây chuối 3.669 ha, cây ăn quả ôn đới 474 ha, cây ăn quả khác 1.119,5 ha, sản lượng ước đạt 48.755 tấn. Tỉnh đã trồng mới được 2.020 ha chè, nâng tổng số diện tích chè đạt 5.030 ha, diện tích chè kinh doanh 2.870 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 26.000 tấn. Cây mắc ca hiện có mật độ 300 cây/ha là 804 ha. Diện tích quế 4.216 ha. Cây sơn tra 1.627,55 ha. Toàn tỉnh đã có hơn 494 lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện với thể tích trên 66.112m3.

Đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại tỉnh Lai Châu

Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được xác nhận thương hiệu hàng hóa như: gạo Tẻ râu Phong Thổ; Chè Tam Đường, Chè Tân Uyên... góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay bình quân tiêu chí/xã đạt 12,78 tiêu chí, tăng 2,86 tiêu chí so với năm 2014; số xã đạt 19 tiêu chí là 24 xã, tăng 22 xã so với năm 2014; số xã đạt 15 – 18 tiêu chí là 1 xã, giảm 8 xã so với năm 2014; số xã đạt 10 – 14 tiêu chí là 50 xã, tăng 15 xã so với năm 2014; số xã đạt 5 – 9 tiêu chí là 21 xã, giảm 29 xã so với năm 2014; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16,2 triệu đồng/người/năm, tăng 4,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2014.

Kết quả đạt được trong thời gian qua của đề án đã từng bước thay đổi tư duy và nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp, lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để sản xuất theo vùng, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập thay vì sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm ngành và bình quân lương thực trên đầu người qua các năm. Kinh tế nông thôn của tỉnh chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều ngành nghề như miến dong, chè, gạo đặc sản… được khôi phục và mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần giảm nghèo bền vững ở nông thôn.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ngày 22/6/2018, UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 – 2020 với những mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như: Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 5-6%/năm; Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 220.000 tấn; Sản lượng lúa hàng hoá 11.750 tấn. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, cụ thể là các vùng: lúa đặc sản, lúa chất lượng cao; cây ăn quả ôn đới; cây có múi; duy trì diện tích 13.196 ha cây cao su; cây quế trên 10.000 ha (trồng mới giai đoạn 2018-2020: 5.850 ha; cây sơn tra trên 2.900 ha (trồng mới giai đoạn 2018-2020: 1.280 ha); mắc ca 3.100 ha (trồng mới giai đoạn 2018-2020 khoảng 2.300 ha); cây chè trên 7.400 ha (trồng mới giai đoạn 2018-2020 là 2.390 ha); cây dược liệu trên 7.300 ha (trồng mới giai đoạn 2018 – 2020 là 420 ha). Trồng mới trên 4.000 ha rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên trên 50%. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn; đến năm 2020 có 38/96 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 01 huyện (thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới. Mức thu nhập của nông dân là 23 triệu đồng/người/năm (tăng 2,5 lần so với năm 2015).

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy tỉnh Lai Châu đã và đang thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chuyển nền nông nghiệp quảng canh, tự cung tự cấp sang thâm canh và sản xuất hàng hóa. Nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh./.

Hoàng Đình Chinh

Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu