Toàn cảnh Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có 243 đại biểu đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và môi trường Tây Nguyên (Viện Thổ nhưỡng nông hóa); đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, UBND huyện Lâm Hà và các đơn vị liên quan trong tỉnh Lâm Đồng; đại diện Trung tâm Khuyến nông và gần 200 nông dân đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk và Đăk Nông; các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích cà phê cả nước đến năm 2018 là trên 687 nghìn hécta, trong đó Tây Nguyên là “thủ phủ” của cây cà phê với diện tích khoảng 622 nghìn hécta, sản lượng chiếm khoảng 93% sản lượng cà phê của cả nước. Nông dân trồng cà phê Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: cây cà phê già cỗi, đất trồng suy thoái, thời tiết diễn biến bất thường, thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê.

Đề án tái canh cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 sau 6 năm triển khai đã trồng tái canh và cải tạo được 118 nghìn hécta (đạt gần 90% kế hoạch đến năm 2020), trong đó diện tích tái canh là 84.165 ha, diện tích ghép cải tạo là 34.037 ha (chủ yếu tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông). Trong các địa phương, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất 58.244 ha, đạt trên 127%, kế hoạch đến 2020 là 45.600 ha; Đắk Lắk 28.848 ha, đạt trên 69%, kế hoạch đến 2020 là 41.587 ha; Đắk Nông 16.414 ha, đạt 67%, kế hoạch đến 2020 là 24.500 ha; Gia Lai 11.932 ha, đạt trên 67%, kế hoạch đến 2020 là 17.800 ha.

Mô hình tái canh cà phê vối bền vững của hộ ông Phạm Anh Tuấn (thôn Hoàn Kiếm 2, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng

Thực tế cho thấy, tốc độ tái canh cà phê của các địa phương còn chậm, trong khi diện tích cây cà phê già cỗi cần chuyển đổi còn nhiều và có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn giống chất lượng và tiến bộ kỹ thuật trong canh tác vẫn là chặng đường gian nan. Đến nay, mới chỉ có khoảng 20 – 30% nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình tín dụng dành cho tái canh cà phê, có đến 30 – 40% nông dân vẫn sử dụng nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ, canh tác chưa hợp lý, bón phân không cân đối, lạm dụng thuốc BVTV... làm cho đất đai thoái hóa, nguồn sâu bệnh gia tăng. Quá trình tái canh cà phê phải mất ít nhất 5 năm, trong đó có 2 năm cho cải tạo đất, 3 năm cho kiến thiết cơ bản cũng khiến nông dân gặp không ít khó khăn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS.Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Cà phê là cây dài ngày, vì vậy chương trình tái canh giống như “cuộc đua đường trường”. Việc tái canh cà phê vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết nên phải tập trung tìm hiểu và cần có một cách nhìn mới hơn, vĩ mô hơn để có giải pháp hiệu quả. Hệ thống khuyến nông phải đồng hành cùng nông dân, kết nối cung cầu, công nghệ để trở thành những hạt nhân trung tâm của chương trình tái canh cà phê bền vững.

PGS.TS.Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn

Theo ông Lương Đức Trí - Trung tâm Nghiên cứu Đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên, để cây cà phê phát triển bền vững ở khu vực Tây Nguyên thì trước hết các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan ban ngành chức năng phải cùng chung tay vào cuộc giải quyết những vấn đề khó khăn đã và đang tồn lại trong quá trình sản xuất cây cà phê… Trước hết, cần quy hoạch lại diện tích cà phê, hướng dẫn nông hộ chuyển diện tích ở những vùng đất không phù hợp trồng cây cà phê và không chủ động nguồn nước, đồng thời ở vùng đất dốc từ 15 độ trở lên sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp ứng dụng tốt hơn nữa kỹ thuật bón phân theo độ phì nhiêu của đất và áp dụng nguyên tắc bón phân 4 đúng để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, sử dụng các giống cà phê mới năng suất cao, chịu hạn, kháng bệnh ...

Tại Diễn đàn, bà Đào Thị Lan Hoa, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) chia sẻ, những năm qua, Viện đã nghiên cứu và chuyển giao cho người dân sản xuất các dòng vô tính cà phê vối, giống cà phê vối lai tổng hợp (TRS1), giống kháng tuyến trùng và cà phê chè. Các giống cà phê cho năng suất cao, chất lượng tốt như TR4, TR9, TR11, TRS1... được đưa vào sản xuất đại trà đã thay thế dần các giống cũ năng suất thấp, góp phần cải thiện đáng kể năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, cây cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, vì vậy, để góp phần nâng cao giá trị sản xuất cây cà phê, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện Chương trình tái canh, ghép cải tạo từ năm 2006 - 2012 bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tái canh được 54.325 ha. Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tái canh, cải tại giống cà phê gắn với phát triển cà phê bền vững: hỗ trợ nông dân thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê (ngân sách hỗ trợ 75% kinh phí mua giống); phát triển giống cà phê chất lượng gắn với doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu, cơ sở thu mua chế biến để nâng cao giá trị; hình thành chuỗi liên kết nông hộ - doanh nghiệp phát triển trồng cà phê;...

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững của hộ ông Trần Văn Xuất 

Tại Diễn đàn, nhiều nông dân đã nêu những khó khăn gặp phải trong quá trình canh tác và đã được các chuyên gia, cán bộ ngành nông nghiệp chia sẻ, tháo gỡ như: kỹ thuật tái canh cà phê (khi nào thì cần phải tái canh? tái canh như thế nào? ...), kỹ thuật bón phân hợp lý, biện pháp phòng trừ dịch bệnh, nguồn cây giống chất lượng, liên kết sản xuất, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, cơ chế chính sách hỗ trợ tái canh… được các chuyên gia tư vấn rõ ràng.

Tổng kết Diễn đàn, PGS.TS. Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, cà phê là cây trồng dài ngày, vì vậy muốn tái canh cà phê bền vững phải đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, về vốn cho cả quy trình tái canh; phải thiết lập được liên kết chặt chẽ, có doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tái canh phải có kiểm soát về chất lượng giống, đất, vật tư đầu vào... Trong đó, hệ thống khuyến nông phải trở thành cầu nối thực sự cho nông dân, liên tục cập nhật những tiến bộ kỹ thuật về quy trình kỹ thuật, giống, vật tư... Các cơ quan truyền thông luôn đồng hành cùng khuyến nông giúp nông dân tiếp cận được thông tin bổ ích để áp dụng vào sản xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp sạch.

Thu Hằng – Ánh Nguyệt

Xem video về Diễn đàn tại đây