Với khoảng 80% dân số có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của huyện là rau, hoa và bò sữa, Đơn Dương trở thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh rau và nuôi bò sữa lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng.

Theo kết quả thống kê đến hết ngày 31/12/2018, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn huyện trên 20 nghìn ha, trong đó diện tích đất canh tác do các hộ dân sản xuất gần 19,3 nghìn ha, còn lại do các doanh nghiệp sản xuất rau, hoa, chăn nuôi bò sữa. Với những thuận lợi về thời tiết, khí hậu, tài nguyên đất và nước phù hợp với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, những năm gần đây, sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là sự sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm của người nông dân, nông nghiệp công nghệ cao của huyện Đơn Dương đã được triển khai thực hiện với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: công nghệ nhà kính, nhà lưới, xử lý môi trường đất, môi trường nước, … giúp Đơn Dương trở thành một trong những điển hình tiêu biểu của cả nước về nông nghiệp công nghệ cao và huyện nông thôn  mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thì nền nông nghiệp công nghệ cao của huyện Đơn Dương đặt ra yêu cầu đổi mới để đáp ứng với nền khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ.

Với tình hình thực tế và tiềm năng sẵn có, huyện Đơn Dương đã và đang bắt tay thực hiện nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh theo 05 nhóm nội dung: về quy mô sản xuất, kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, hiệu quả và bền vững. Theo đó, huyện đã và đang tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, những công trình trọng điểm đã được đầu tư xây dựng như: nâng cấp tuyến đường huyện ĐH 412, 413 thành đường tỉnh, đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi; xây dựng mới cầu ông Thiều, cầu Ka Đô; hoàn thiện đường nội thị thị trấn Thạnh Mỹ và D’ran… Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chế biến. Trong trồng trọt, tăng cường cơ giới hóa trên đồng ruộng, phát triển các mô hình rau, hoa sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, nhà màng, sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng công nghệ thông minh, tự động hóa, điều khiển từ xa thông qua internet...

Riêng trong năm 2018, từ nguồn vốn sự nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo cho Trung tâm Nông nghiệp huyện triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông, trong đó có mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển tưới tự động trên cây rau và đã có 18 hộ đăng ký thực hiện mô hình. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; đồng thời các ngành chuyên môn và các đoàn thể cũng đã chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu của quy trình sản xuất như: giống, vật tư đầu vào, hạ tầng kỹ thuật, thu hoạch, chế biến đóng gói, vận chuyển,... Qua các phong trào, đã có nhiều nông dân mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đầu tư vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Trong chăn nuôi, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng đã được người nông dân trên địa bàn huyện triển khai thực hiện, theo đó bà con nông dân từng bước ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu vận chuyển, tự động hóa khâu cung cấp thức ăn, nước uống; chăn nuôi theo hướng an toàn, xử lý chất thải kết hợp với sản xuất phân hữu cơ vi sinh...

Cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, huyện cũng đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả sử dụng vốn. Theo đó, nhiều lớp đào tạo nghề, nhất là cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các ngành chuyên môn của huyện tổ chức tại các xã, thị trấn, nhằm giúp cho người sản xuất tiếp cận, nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong huyện theo hướng hàng hóa, hiện đại và bền vững. Cùng với đó, huyện còn tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, xây dựng và củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), nhất là các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, bò sữa;... từ đó, phát huy vai trò cầu nối trong mối liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất, hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh của huyện Đơn Dương hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ dừng lại ở một số mô hình sản xuất nhỏ lẻ; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, chưa ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, cũng như quy trình canh tác tiên tiến,… rộng rãi trong sản xuất. Người nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo kiểu truyền thống, tự tiêu thụ sản phẩm, chưa nắm bắt thông tin kịp thời về thị trường. Do đó để nông nghiệp huyện phát triển đồng bộ và toàn diện, các ban ngành chức năng cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể như: tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; xây dựng và củng cố các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, bò sữa; tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp thông minh; xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh...

Hi vọng rằng với sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo huyện cùng những giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể, cùng sự tích cực hưởng ứng của người dân sẽ là cơ sở, là tiền đề quan trọng để huyện Đơn Dương thực hiện và phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025.

Cúc Hoa

TT Văn hóa thông tin và Thể thao huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng