Những năm mà nghề trồng dâu nuôi tằm ở đỉnh cao, bà con các tỉnh Thái Bình, Hà Tây (cũ) và một số tỉnh khác có nghề trồng dâu nuôi tằm, là những người được đưa vào làm nhân tố phát triển cho vùng tơ tằm Bảo Lộc. Gia đình chị Nguyễn Thị Lài cũng nằm trong những người di dân đó.

Ban đầu đặt chân trên vùng đất mới gặp muôn vàn khó khăn, phải dựng nhà tạm tranh tre để sinh sống, vợ chồng chị hàng ngày làm công nhân cho nông trường dâu tằm Kohinđa với mức lương rất khiêm tốn cùng với mảnh vườn hơn 1.000m2 do nông trường cấp phải trồng xen khoai lang, khoai mì nhưng thu nhập không cao, không bảo đảm được cuộc sống, có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề trồng dâu nuôi tằm về quê sinh sống.

Cuối những năm 1990, khi kinh tế Châu Á bị suy thoái kéo theo nghề trồng dâu nuôi tằm cũng khốn đốn. Các nông trường cơ bản giải thể, công nhân phải tự bươn chải cho cuộc sống của mình. Lúc này chị nghĩ con tằm, cây dâu nó đã gắn bó với con người Việt Nam từ bao đời nay, khí hậu nơi đây rất phù hợp với cây dâu và con tằm, sản phẩm tơ lụa là thứ hàng hoá cao cấp từ bao đời rất thân thiện với môi trường. Chính những suy nghĩ đó, chị đã quyết định vay tiền từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vay thêm tín chấp của Hội Phụ nữ từ Ngân hàng chính sách xã hội và dùng tiền tích luỹ được mua thêm 6 sào đất vườn để trồng 4 sào dâu, 2 sào cà phê. Ngoài thời gian sản xuất chị tranh thủ sắp xếp để theo học các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng dâu nuôi tằm do Hội Phụ nữ thành phố tổ chức, nhằm trang bị thêm kiến thức và kinh nghiệm cho nghề nuôi tằm giống.

Thực tế nhiều năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, thấy được nhu cầu con tằm giống cung cấp cho các hộ nuôi tằm tại địa phương còn hạn chế và khó khăn, địa chỉ cung cấp giống tằm con uy tín và chất lượng chưa có. Nếu trứng và tằm con không bảo đảm thì việc nuôi tằm sẽ không đạt, tằm dễ bị bệnh, chất lượng tơ không cao hoặc có thể mất trắng. Từ những nhu cầu trên, chị quyết định vay thêm vốn đầu tư xây 01 căn nhà cấp 4 rộng 150m2 để chuyên nuôi tằm con cung cấp cho bà con. Bên cạnh việc nuôi tằm giống, chị còn chăn nuôi heo để lấy phân chăm bón cho 6 sào dâu, tính ra cũng lãi bình quân trên 120 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn.

Với nhu cầu của thị trường khi nghề trồng dâu nuôi tằm khởi sắc trở lại, năm 2014 chị quyết định mở thêm nhà trại, mua thêm 1 ha đất để trồng thêm dâu. Tổng cộng chị có 1,5 ha trồng dâu cao sản như F7, C2, dâu lai Ấn độ, đủ cho nuôi từ 200 - 300 hộp trứng tằm để xuất bán cho bà con nuôi tằm thương phẩm của 14 thôn trong xã và các huyện như Di Linh, Bảo Lâm và tỉnh Đắc Nông. Lợi nhuận thu được từ nuôi tằm con trung bình 30 triệu đồng/tháng.

Vợ chồng chị Lài chăm sóc tằm con

Chị Lài chia sẻ, trong nuôi tằm con thì quan trọng nhất là nguốn gốc trứng và kỹ thuật nuôi tằm con phải bảo đảm rất nghiêm ngặt về quy trình cho ăn, mật độ và cách phòng bệnh để có con giống tốt đạt chất lượng cao. Từ đó cái tên tằm giống Tám Lài ra đời.

Nhờ biết tính toán làm ăn cộng với tinh thần ham học hỏi, chịu thương chịu khó, sau một thời gian dài lao động và tiết kiệm, đến nay kinh tế gia đình chị đã khá ổn định. Chị Lài mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư các giống dâu và trứng tằm cao sản có năng suất chất lượng, mở thêm các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ trồng dâu nuôi tằm và có đầu ra ổn định cho sản phẩm tơ lụa. Có như vậy ngành trồng dâu nuôi tằm ở nước ta mới phát triển bền vững, đời sống của người làm nghề trồng dâu nuôi tằm mới được nâng lên và gắn bó với nghề.

Tạ Minh Đức 

CCB thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng