Qua khảo sát thực tế ở xã Tân Nghĩa - Di Linh, diện tích trồng dâu của xã khoảng trên 43 ha dâu kinh doanh, trong đó có trên 10 ha trồng giống dâu lai S7-CB, VA-201, Sa nhị luân,… Tuy nhiên, trong sản xuất bà con nông dân vẫn áp dụng các phương pháp canh tác tự phát, truyền thống, chưa nắm được kỹ thuật trồng và thâm canh các giống dâu lai nên năng suất dâu vẫn còn ở mức hạn chế. Về nuôi tằm thì trên địa bàn xã vẫn chưa có cơ sở nào nuôi tằm con tập trung. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lá dâu và con tằm. Năng suất lá dâu bình quân từ 10-12 tấn/ha/năm,tương đương sản lượng 800 - 1.000 kg kén. Thực tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, năng suất của các giống dâu lai và  những lợi thế của vùng đất Tân Nghĩa. 

Để giúp nông dân trồng dâu nuôi tằm xã Tân Nghĩa trong việc thành lập tổ hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thâm canh dâu, nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm lớn và tiêu thụ sản phẩm kén nhằm thúc đẩy việc phục hồi nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, chính quyền địa phương tổ chức thành lập tổ hợp tác sản xuất dâu tằm tơ xã Tân Nghĩa. 22 hộ dân đã tham gia hợp tác, quy mô sản xuất 05 ha dâu S7-CB và 40 hộp trứng tằm.

Qua quá trình triển khai, kết quả cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình tăng lên rõ rệt so với đối chứng từ năng suất lá dâu đến sản lượng kén. Lượng kén nhộng mô hình trình diễn đạt 1.913 kg kén/ha/năm, tăng hơn 246 kg kén so với đối chứng. Với giá kén 130.000 đồng/kg kén thì lợi nhuận của mô hình trình diễn bình quân thu được 191.620.000 đồng/ha/năm, tăng hơn 30.000.000 đồng/ha/năm so với đối chứng. (Lợi nhuận trên không tính công lao động của gia đình nông hộ sản xuất dâu tằm).

Việc thành lập tổ hợp tác sản xuất dâu tằm tơ xã Tân Nghĩa đã tạo ra mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm chặt chẽ và ổn định, tạo được sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương, nông hộ, tổ hợp tác đến các doanh nghiệp cung ứng giống tằm, thu mua kén tằm với thực tế chất lượng của sản phẩm, theo đúng giá trên thị trường. Qua đó, thay đổi được nhận thức và phương thức sản xuất của các thành viên và nâng cao năng lực kỹ thuật của người dân; từng bước hình thành vùng chuyên canh dâu tằm có năng suất cao, chất lượng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và sản xuất thâm canh theo hướng bền vững; thúc đẩy việc phục hồi nghề trồng dâu, nuôi tằm đã có từ lâu tại địa phương xã tân Nghĩa.

Mô hình tổ hợp tác dâu tằm xã Tân Nghĩa đã và đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển của ngành, của tỉnh. Từng bước thúc đẩy gia tăng giá trị cho các thành viên, là nền móng của sản xuất bền vững trong thời gian tới.

Quỳnh Châu 

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng