Trang trại Thiên Sinh của anh Nguyễn Quốc Thắng ở thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương được gây dựng và phát triển đi lên từ vùng đất rất xấu do đã sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, trồng cây bắp cũng không lên được. Khi bắt tay vào canh tác anh Thắng sử dụng nhiều biện pháp cải tạo đất như sử dụng hoạt chất từ hạt neem, sử dụng phân xanh, phân chuồng… Tưởng rằng như thế đã ổn, nào ngờ hàng nghìn m2 rau 1 - 2 tuần tuổi đang xanh tốt bỗng trơ cành trụi lá chỉ sau vài ngày. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đầu tư cho lứa rau hữu cơ đầu tiên tan thành mây khói… Tìm hiểu anh mới biết nền đất vẫn chưa được cải tạo ổn định, lượng tồn dư phân bón, thuốc hóa học trong đất vẫn còn nhiều. Tiếp tục sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma và trồng cây luân canh suốt 3 năm ròng, anh Thắng mới hoàn thành việc khử độc 7ha đất. Mặt khác, anh trồng cây lạc dại để cải tạo đất dần trở lại tơi xốp.

Sau khi công đoạn cải tạo đất hoàn tất, anh dựng vườn ươm, nhà kính trồng rau hữu cơ cùng với hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Anh cũng đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy mô, vườn ươm cây giống theo công nghệ cao rộng 2 ha. Anh nhập giống cây mới của Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan và nghiên cứu, sản xuất 10 giống rau chủ lực là cà chua, cà rốt, bắp ngọt, cải trắng, cà tím, đậu nành, rau thơm, đậu bắp, bó xôi. Mỗi năm, ngoài số cây trồng trong trại, anh còn xuất bán 5 - 6 triệu cây giống/năm. Hiện trang trại của anh Thắng làm giống và cung cấp các loại giống rau, canh tác rau, củ, quả và chăn nuôi bò thịt theo hướng hữu cơ hoàn toàn.

Anh Thắng cho biết: “Trang trại của anh luôn luân canh các loại cây trồng để xua đuổi sâu bọ, và xen canh các loại rau có tính đối kháng với nhau như trồng xen cải Nhật với đậu, bó xôi... do mùi hăng của cây cải Nhật nên cây trồng không bị bọ nhảy cắn phá; cà rốt trồng xen với bắp và liên canh với cà tím, khoai lang, củ cải....”.

Mặt khác, anh Thắng nuôi và thả một số thiên địch như bọ xít, ong ký sinh ra vườn rau, sử dụng bẫy vàng, bẫy xanh để bẫy côn trùng. Một số qui định riêng của trang trại như công nhân và khách tham quan vào trang trại không được hút thuốc lá nhằm hạn chế sự lây lan bệnh.

Kết hợp giữa chăn nuôi với trồng trọt để tận dụng nguồn phân, anh đã làm chuồng để nuôi nhốt 28 con bò thịt đủ các giống như: bò Úc, bò Brahman, bò lai Sind, bò Red Angus,… Dãy chuồng chia làm 2 dãy, mỗi dãy rộng 4,5m, dài 16m. Ngoài ra còn có cả sân cho bò vận động.

Để giảm tối đa mùi hôi từ chất thải và tận dụng được nguồn phân, anh Thắng đã mạnh dạn làm đệm lót sinh học để chăn nuôi bò. Để tiết kiệm chi phí anh tự làm men ủ từ men rượu và cám gạo. Cứ 0,5 kg men rượu pha với nước tưới đều lên 100kg cám gạo đạt độ ẩm 30 - 40%, sau đó ủ hiếu khí từ 7 đến 10 ngày là có thể đem ra sử dụng. Vật liệu làm chuồng đệm lót nuôi bò anh dùng vỏ trấu đã hun thành than, vỏ trấu, lớp đệm lót làm dày khoảng 50cm, chia làm 3 lớp: than trấu - trấu - than trấu, sau đó rắc men đã ủ lên bề mặt. Trong khi nuôi, bổ sung thêm rơm trên nền đệm lót để tạo độ tơi xốp, khô ráo cho nền chuồng.

Trong quá trình nuôi, 1 tháng anh dọn chuồng 1 lần được 45m3 phân chuồng, mỗi lần dọn chuồng xong rắc thêm 5kg men đã ủ vào nền chuồng. Lượng phân chuồng trên được trộn thêm men vi sinh ủ thêm từ 1 - 2 tháng hoai mục rồi sử dụng chăm bón cho cây trồng. Trong quá trình nuôi trên nền đệm lót, nếu nền đệm bị ẩm và ướt cần bổ sung thêm chất đệm.

Nuôi bò trên nền đệm lót giảm hẳn mùi hôi và ruồi muỗi, bò không cần tắm, không cần dọn phân hàng ngày, 1 tháng chỉ cần dọn chuồng nuôi 1 lần, đỡ tốn nhiều công chăm sóc, bò luôn sạch sẽ, vào ban đêm khí hậu thường lạnh nên bò không bị lạnh vào ban đêm, giảm bệnh trên đàn bò.

Mô hình nuôi bò thịt trên nền đệm lót sinh học của gia đình anh Thắng 

Nuôi bò ít lời, chủ yếu là lấy phân, khi nuôi không có đất để chăn thả nên anh nuôi nhốt hoàn toàn. Anh đã bố trí khu để trồng cỏ nuôi bò, tận dụng tối đa diện tích đất trong trang trại như các triền đất dốc làm nhà kính trồng rau anh trồng cỏ để lợi dụng các vi sinh vật có ích có lợi cho cây trồng. Thức ăn cho bò là cỏ và rơm khô. Rơm khô được trang trại mua từ vùng đất ở Phan Rang - Ninh Thuận và ở huyện Đạ Huoai - Lâm Đồng. Thức ăn cho bò hàng ngày là cỏ xay và rơm khô, không dùng thức ăn tinh. Vào mùa mưa nguồn cỏ dồi dào, bò được ăn 2 bữa cỏ + 1 bữa rơm/ngày, mùa khô cỏ khan hiếm hơn nên cho ăn 2 bữa rơm + 1 bữa cỏ/ngày. Với chế độ chăm sóc như trên đàn bò phát triển tốt, ít bị bệnh, hạn chế mùi hôi từ chuồng trại.

Có thể nói, trang trại Thiên Sinh đã ứng dụng thành công nền sinh học vào sản xuất nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, các sản phẩm rau, củ, quả của trang trại mới chỉ đáp ứng được 50% đơn đặt hàng, cung cấp cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam và các nhà hàng lớn ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Bùi Hằng

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng