Hiện nay người dân đang sử dụng chủ yếu là giống Queen, năng suất thấp (khoảng 20 tấn/ha), quả lớn nhanh nhưng chất lượng thấp (thịt quả xốp); giống dứa này phù hợp cho thị trường ăn quả tươi. Một số diện tích nhỏ người dân trồng dứa Kayen, giống dứa này cho năng suất cao và phục vụ cho các nhà máy chế biến đóng hộp hoa quả.

Cánh đồng dứa tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát

Việc tiêu thụ dứa hiện nay chủ yếu thông qua các đầu mối thu gom tại địa phương, người dân không trực tiếp bán cho nhà máy; trong khi nhà máy chưa bố trí được các điểm thu gom, thu mua dứa cho người dân, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, thu hoạch chưa đảm bảo độ chín sinh lý, do vậy chất lượng quả dứa giảm. Bên cạnh đó, nhà máy chưa có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chưa ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người dân nên việc chỉ đạo sản xuất phục vụ cho chế biến còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng sản xuất trên ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch cải tạo và trồng mới dứa trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống dứa mới như MD2, H180... phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương; thực hiện cải tạo thay thế giống mới đến năm 2025 khoảng 500 ha tại huyện Mường Khương, sau đó mở rộng sang các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên; tổ chức sản xuất theo phương pháp rải vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc ra hoa và đậu quả phù hợp với từng thời điểm, kéo dài được thời gian thu hoạch dứa; trồng mới 1.300 ha nâng tổng diện tích đến năm 2025 là 2.500 ha và toàn bộ diện tích trồng mới thực hiện chuyển đổi trên đất trồng ngô kém hiệu quả tại huyện Bảo Thắng, Mường Khương, tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/ha.

Đặng Thương Thảo

Trung tâm Khuyến nông và DVNN Lào Cai