Tham dự hội thảo có ông Đỗ Văn Duy – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai; ông Nguyễn Việt Hà – Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Yên và đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các xã trong vùng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu quế của huyện; các doanh nghiệp tham gia chế biến và sản xuất quế trên địa bàn; lãnh đạo Đảng ủy và nông dân tiêu biểu trồng quế tại xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà.  

Theo báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch vùng trồng quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện Bảo Yên: Đến hết tháng 8/2018, diện tích quế trên địa bàn huyện đạt 17.000 ha. Theo quy hoạch vùng trồng quế của huyện giai đoạn 2015- 2020 đạt 20.000 ha. Cây quế đang đem lại thu nhập cao cho các hộ dân, hiệu quả kinh tế ước đạt 450 - 650 triệu đồng/ha, thời gian trồng từ 7- 10 năm. Với thu nhập cao như vậy, cây quế đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế, công suất tiêu thụ 8.000 tấn/năm; 14 cơ sở thu mua cành, lá, vỏ quế hoạt động thường xuyên. Giá bán các sản phẩm từ quế tương đối ổn định; tại thời điểm khảo sát, giá bán nguyên liệu từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, vỏ quế tươi có giá 14.000 – 17.000 đồng/kg, ngoài ra cành, lá đã chiết xuất hết tinh dầu có thể nghiền làm bã bán với giá 500 đồng/kg để làm chất đốt trong công nghệ đốt lò lấy nhiệt. Tuy nhiên theo đánh giá thì năng suất, chất lượng sản phẩm quế tại huyện chưa cao; chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quế; diện tích trồng còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên công tác quản lý bảo vệ và tiêu thụ sản phẩm sau khi rừng được khai thác còn gặp nhiều khó khăn.  

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Khó khăn, thách thức trong quản lý quy hoạch, giải pháp, hành động nâng cao chất lượng vùng trồng quế ở Bảo Yên; Khó khăn thách thức, giải pháp, hành động tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng quế; Xác định cơ hội, thách thức và giải pháp, hành động nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá ngành hàng quế tại địa phương.  Đại diện Trung tâm khuyến nông Lào Cai cũng chia sẻ kết quả hoạt động chung dự án WEAVE trong việc nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua chuỗi giá trị quế triển khai thực hiện tại xã/huyện hưởng lợi dự án; những thách thức và cơ hội phát triển chuỗi giá trị quế với sự tham gia của nữ giới.

Những ý kiến và giải pháp được các đại biểu quan tâm thảo luận: Quy hoạch vùng trồng quế; mật độ trồng; sơ chế sản phẩm; liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp; thị trường tiêu thụ; thay đổi nhận thức, tầm nhìn phát triển; cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; công tác phòng trừ sâu bệnh.

Đối với huyện Bảo Yên, hội thảo đã đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng cây quế trong thời gian tới: Điều chỉnh quy hoạch từ 7.800 ha lên 25.000 ha vào năm 2025. Tăng cường công tác quản lý quy trình trồng từ khâu chọn giống đến thu hoạch. Nâng cao việc chế biến tinh chất tinh dầu quế từ 86% lên 99% và nâng cao giá trị kinh tế. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất, chế biến, thị trường quế cho cán bộ và nông dân trồng quế. Thu hút doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất tạo nhiều sản phẩm mới từ quế như: chè quế, vỏ quế…  Đề nghị cấp chứng nhận vùng sản xuất quế hữu cơ. Đến năm 2020 tổ chức lễ hội quế huyện Bảo Yên.

Phát biểu kết luận buổi hội thảo, ông Đỗ Văn Duy – Phó giám đốc Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu để huyện Bảo Yên và Sở Nông nghiệp và PTNT có những đề xuất điểu chỉnh, bổ sung các chính sách, quy hoạch cũng như xây dựng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch cho phù hợp để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng quế./.

                                                       Trần Hồng

                                                       Trung tâm Khuyến nông Lào Cai