Quang Kim và Cốc Sa là những xã bị thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão số 2 nhưng với sự nỗ lực của người dân nơi đây cùng với sự chung tay của các ban ngành, chính quyền địa phương đã kịp thời, chủ động, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khôi phục sản xuất cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đến nay vùng đất này đã hồi sinh những cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Cụ thể là Trung tâm Khuyến nông phối hợp với HTX nông nghiệp Vàng Xanh (huyện Sa Pa) thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm quả su su tại 02 xã Quang Kim và xã Cốc Sa, huyện Bát Xát.

Trong thời gian nay, quả su su đang cho thu hoạch rộ. Qua khảo sát thu mua của HTX nông nghiệp Vàng Xanh (huyện Sa Pa) - đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân thì su su đạt chất lượng khá. Tỷ lệ quả đủ tiêu chuẩn là từ 3-4 quả/kg. Theo hợp đồng giữa HTX Vàng Xanh và UBND các xã thì tại mọi thời điểm, giá thu mua su su quả luôn ở mức 3.800 đồng/kg. Với giá thu mua này, nông dân đang có thu nhập cao và ổn định, trong khi giá thị trường bán lẻ, su su quả loại ngon cũng chỉ dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm quả su su (theo chuỗi) tại 02 xã Quang Kim và Cốc Sa huyện Bát Xát được hợp tác theo hình thức nông dân đối ứng bằng đất trồng su su, công chăm sóc và một phần phân bón. Phía doanh nghiệp đầu tư toàn bộ giống, lưới làm giàn và một phần phân bón chất lượng cao để nông dân sản xuất. Hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm quả su su được ký giữa HTX Nông nghiệp Vàng Xanh và UBND các xã vùng thiên tai của Lào Cai. Doanh nghiệp sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả su su đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, với mẫu mã đẹp và quả phải đạt trọng lượng từ 3-4 quả/kg.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân thu hoạch và bảo quản quả su su

 

HTX Nông nghiệp Vàng xanh cho biết để có quả su su đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch phải được đặt lên hàng đầu. Trước khi thu hoạch nông dân được tập huấn về cách thu hoạch và bảo quản. Theo đó, quả su su khi thu hoạch không được đặt trên nền đất tránh bị dính đất. Sau đó, quả su su phải được bảo quản ngay và được bọc trong túi mềm để tránh dập nát, giữ chất lượng trước khi xếp vào hộp. Đây là cách để những quả su su của Lào Cai đặt chân vào thị trường xuất khẩu và cũng là điều kiện để nông dân hợp tác sản xuất trên quy mô lớn. 

Gia đình anh La Văn Sàng ở thôn Làng Kim 1, xã Quang Kim, huyện Bát Xát đã trồng su su ngay trên bãi bồi sau thiên tai. Được hỗ trợ về giống, dây lưới kéo giàn và một phần phân bón, gia đình anh đã bỏ nhiều công sức làm đất, chăm sóc để có được vườn su su đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Tỷ lệ quả đạt tiêu chuẩn đóng hộp đạt khá cao, mỗi đợt thu hoạch, gia đình hái được từ 300 - 400kg quả, mang lại nguồn thu ổn định trên diện tích đất cát. Những biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, thu hoạch nhanh chóng được những hộ trồng su su như anh cùng áp dụng làm theo.

Vấn đề quan trọng trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm quả su su đó là việc giúp nông dân có thêm kiến thức trong việc sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng nông sản khi tham gia tham gia xuất khẩu.

Chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm quả su su là mô hình khuyến nông mới được trình diễn tại những vùng thiên tai năm 2016. Từ hiệu quả của mô hình này, nông nghiệp Lào Cai tiếp tục tìm kiếm doanh nghiệp, mời gọi đầu tư, phối hợp với nông dân các vùng sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn, xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp thực sự bền vững.

Thanh Hương

Trung tâm Khuyên nông tỉnh Lào Cai