Trong những năm gần đây, nhằm thúc đẩy ngành hàng quế và chuỗi sản phẩm đặc hữu phát triển bền vững, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt “Quy hoạch vùng trồng cây quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015-2025” và “Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016-2020”.  

Thu hoạch quế ở xã Nậm Đét

                                            Tỉnh Lào Cai hiện có khoảng trên 11.000 ha, tập trung tại các huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn với 02 giống quế chính là: giống quế lá to - quế quan và giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ - quế đơn. Lào Cai có 57 vườn ươm gieo ươm quế trong đó 19 vườn ươm là của hộ gia đình. 100% cây giống đưa vào trồng rừng đều được quản lý, kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn của Chi cục Kiểm lâm.

Vỏ quế là sản phẩm chính chiếm 73% doanh thu từ rừng quế, tinh dầu chưng cất từ lá chiếm 20%, gỗ quế 7%. Sản lượng vỏ quế khô trung bình 1 ha quế khoảng từ 6-8 tấn vỏ/ha. Sản lượng lá, cành dùng chưng cất tinh dầu trung bình khoảng 8-10 tấn/ha. Sản lượng gỗ trung bình khoảng 80 - 100 m3/ha. Theo thống kế của ngành nông nghiệp từ năm 2015-2016 tổng sản phẩm thu hoạch từ quế gồm: lá quế 25.000 tấn, vỏ quế khô 2.000 tấn, tinh dầu quế 80 tấn, hạt quế giống 8 tấn, viên nén sinh học (sản phẩm phụ từ lá quế sau khi trưng cất) 3.000 tấn. Giá trị kinh tế mang lại cho người trồng quế ước ở cuối chu kỳ kinh doanh đạt 500 triệu đồng/ha. Lợi nhuận trung bình chia đều mỗi năm người dân trồng quế thu được ước tính 34 triệu đồng/ha/năm, tương đương với 500 triệu đồng/15 năm, cao gấp 2 lần so với trồng cây gỗ khác như mỡ, keo (lợi nhuận trung bình mỗi năm 15-20 triệu đồng/ha/năm, tương đương 100 triệu đồng/ha với chu kỳ kinh doanh 5 năm), trong khi đó vốn đầu tư trồng 1 ha quế chỉ tương đương 1 ha keo (mỡ); Hàng năm với diện tích khai thác trung bình khoảng 300-350 ha/năm tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động trong vùng trồng quế, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, giữ vững an ninh chính trị.

Hiên nay sản phẩm quế tiêu thụ khá thuận lợi. Sản phẩm quế vỏ được thu mua chủ yếu bởi các tư thương, đại lý nhỏ thu mua quế bán cho các công ty tại Hà Nội và Yên Bái, với diện tích  khai thác trung bình 300-350 ha/năm; đặc biệt các sản phẩm vỏ quế đã qua sơ chế được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc. Sản phẩm tinh dầu quế được tiêu thụ phần lớn tại thị trường Trung Quốc, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha. Hiện nay đang xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm quế sang thị trường Belarut và các nước Đông Âu. Việc phát triển diện tích quế cũng mang lại tiếng nói, sự bình đẳng cho mỗi gia đình nông dân.

Đến nay, Lào Cai đã và đang hình thành các vùng sản xuất quế hữu cơ. Việc phát triển chuỗi giá trị quế hữu cơ được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ triển khai từ tháng 9/2014 đến nay, đã có 5 thôn tại xã Nậm Đét với 216 hộ gia đình được cấp chứng chỉ quế hữu cơ, tương đương với diện tích trên 400 ha quế đã cho thu hoạch vỏ đảm bảo các tiêu chuẩn quế hữu cơ.

Theo quy hoạch vùng trồng cây quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015-2025 tỉnh Lào Cai sẽ có 25.000 ha trồng quế tại 50 xã thuộc 04 huyện (Bảo Yên 7.800 ha/18 xã, Bảo Thắng 5.500 ha/15 xã, Bắc Hà 7.300 ha/10 xã, Văn Bàn 4.400 ha/07 xã). Song song đó tỉnh quy hoạch mạng lưới chế biến 03 nhà máy tại 03 huyện (Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn); xây dựng 01 nhà máy chế biến tinh dầu quế tại huyện Văn Bàn với công suất 40 tấn tinh dầu/năm nhằm tiêu thụ nguyên liệu lá và cành quế cho các xã của huyện Văn Bàn và các xã phía Tây Nam huyện Bảo Yên.

Để phát triển ngành hàng quế, liên kết chuỗi sản phẩm, thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần thực hiện một số giải pháp sau:

-  Về quản lý quy hoạch: Ngành nông nghiệp thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch về phát triển cây Quế, dược liệu tỉnh đã ban hành. Tăng cường liên kết chuỗi giá trị quế, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp tham gia sản xuất và tiêu thụ.

-  Về đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất: cải tạo hệ thống tưới tiêu, nâng cấp đường giao thông nông thôn và kết nối vùng sản xuất với tuyến quốc lộ đảm bảo vận chuyển sản phẩm được thuận lợi. Xây dựng các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại vùng quy hoạch để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

-  Về ứng dụng khoa học kỹ thuật và đào tạo nhân lực: lựa chọn giống tốt, xây dựng vườn ươm giống tập trung, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cung cấp cho các vùng sản xuất quế theo quy hoạch đồng thời đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Áp dụng các phương pháp khuyến nông vào đào tạo tập huấn cho các hộ nông dân. Cấp chứng nhận sản phẩm quế hữu cơ. Hình thành các nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội... cùng nhau phát triển.

-   Về thị trường và xúc tiến thương mại: Hỗ trợ thành lập các mô hình điểm về kinh tế hợp tác, liên kết 4 nhà để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định. Củng cố xây dựng các điểm thu gom, sơ chế và bảo quản, chế biến. Xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi ngành hàng. Gắn kết du lịch với giới thiệu và quảng bá sản phẩm ngành hàng quế từng bước thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thứ năm về cơ chế chính sách: Ngành nông nghiệp tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân ổn định và bền vững.

-  Về nguồn vốn: lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của nước ngoài, vốn vay ưu đãi của chính phủ (ODA, ADB, WB, JCA...) đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại vùng quy hoạch. Sử dụng các nguồn vốn thông qua chương trình khuyến nông, chương trình khoa học công nghệ, nông thôn mới; nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách sự nghiệp,vốn vay tín dụng của nhà nước... Ngoài ra, huy động nguồn vốn tự có từ nhân dân, vốn từ các Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...

-  Về tuyên truyền: vận động, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, truyền hình... để nhân dân nắm bắt các kỹ thuật, thông tin thị trường, liên kết sản xuất với doanh nghiệp tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị sản phẩm./.

Thanh Hương

Trung tâm Khuyến nông Lào Cai