Mận Tam Hoa, đào Pháp, lê Tai Nung, chè hữu cơ, rượu ngô Bản Phố, rau Bản địa…đó là những nông sản đặc hữu, giàu thế mạnh đang được huyện Bắc Hà quan tâm, phát huy hiệu quả sản xuất “gắn” với xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản bản địa; cùng với đó là việc tăng cường các hoạt động  xúc tiến, quảng bá nhằm từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.  Đầu tháng 6/2018 vừa qua, nhằm phục vụ cho tuần văn hóa du lịch Bắc Hà, huyện đã xây dựng thành công các mã code truy xuất nguồn gốc cho 5 sản phẩm nông sản chủ lực. Ông Nguyễn Tiến Hồng-  Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bắc Hà cho rằng: “Việc làm này sẽ có ý nghĩa rất lớn góp phần chắp cánh cho các sản phẩm nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng trong phạm vi cả nước và các siêu thị lớn. Đáng chú ý là chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể dễ dàng nhận diện được các sản phẩm nông sản của Bắc Hà làm ra, nhờ đó sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường sẽ được nâng lên đáng kể”.

Đến thăm Hợp tác xã rau an toàn Dì Thàng (HTX) , thôn Km3, xã Na Hối, chúng tôi được các thành viên HTX chia sẻ về thực tế liên kết, tiêu thụ sản phẩm rau bản địa còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, nhất là việc tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường khó tính, giàu tiềm năng như Hà Nội và các siêu thị lớn. Chia sẻ với chúng tôi Bà Trần Thị Hiền, thành viên liên kết, tiêu thụ sản phẩm HTX cho biết: “ Các thị trường trên đòi hỏi rất cao về nguồn gốc truy xuất của sản phẩm, do vậy khi biết huyện đã xây dựng được mã code truy xuất nguồn gốc cho 1 số sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm “rau Bắc Hà”, bà con xã viên rất mừng.  Bởi khi có thể áp dụng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản trong đó có “rau Bắc Hà” sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường hơn, người tiêu dùng cũng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm. Do vậy, HTX sẽ sớm liên hệ để được cấp phát tem, nhãn, mã code cho các sản phẩm rau an toàn sản xuất để củng cố và tạo dựng niềm tin đối với khách hàng”.

Mận Tam Hoa đã được xây dựng và áp dụng mã code truy xuất nguồn gốc

 

Tìm hiểu sâu thêm về việc sử dụng mã code truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản, chúng tôi tìm đến Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà. Đây không chỉ là nơi nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều giống cây ăn quả “đầu dòng” có chất lượng, mà còn địa chỉ của các mô hình trình diễn các giống cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao. Thạc sĩ Lương Quang Thạch, Trạm trưởng trạm nghiên cứu cho biết: “ Hiện đơn vị đang bước vào thu hoạch lê VH6, các vườn trồng lê của trạm do được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên sản lượng quả năm nay tăng hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên hiện Bắc Hà vẫn chưa xây dựng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lê Bắc Hà”. Ông cũng rất mong huyện sẽ sớm xây dựng thành công các nhãn hiệu tập thể theo kế hoạch, đồng thời triển khai áp dụng mã (code) truy xuất nguồn gốc cho các mặt hàng nông sản chủ lực để từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản sản trên thị trường.

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo đề án của tỉnh, hiện nay huyện Bắc Hà cũng đang chú trọng thực hiện, trước mắt là tăng cường công tác điều tra, khảo sát về thực trạng, tiềm năng phát triển của các sản phẩm nông sản vốn có, tiếp tục chỉ đạo xây dựng tem nhãn tập thể cho một số sản phẩm đặc hữu của địa phương. Trên cơ sở phân tích các lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải có tính bền vững, các xã, thị trấn trong huyện tiến hành lựa chọn, đăng ký sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa vẫn đứng trước nhiều khó khăn bởi liên quan đến tổ chức sản xuất cũng như “quản lý” và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Chưa thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn tham gia vào chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Mong rằng, bài toán này sẽ sớm được tháo gỡ để các sản phẩm nông sản của Bắc Hà ngày càng khẳng định được thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, qua đó góp phần đổi thay cuộc sống của nhân dân địa phương.

Khuất Linh