Những triển vọng thực tiễn

Trao đổi cùng chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Bắc Hà, bà Nguyễn Thị Huê phấn khởi cho biết: Năm 2019, huyện Bắc Hà thực hiện trồng 80 ha cây dược liệu với ba loại cây chủ lực chính là atiso, đương quy và cát cánh. Trong đó có 13 ha cây atiso, trồng chủ yếu tại các xã Na Hối, Lùng Phình, Lầu Thí Ngài. Đến nay, bà con đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích atiso. Tất cả các sản phẩm qua sơ chế và chế biến được Công ty Traphaco Sapa tiêu thụ hoàn toàn, trong đó lá tươi thu được gần 300 tấn, mang về nguồn thu khoảng 700 triệu đồng; củ, thân cây được Hợp tác xã Na Hối (xã Na Hối) chế biến thành cao loãng bán cho Công ty cũng thu được trên 1,1 tỷ đồng. Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện, giá trị kinh tế từ cây atiso mang lại có thể đạt tới 140 triệu đồng/ha. Còn với cây đương quy và cát cánh, đến nay bà con cũng đã thu hoạch được trên 90 % diện tích. Đến hết ngày 12/2/2020 đã thu hoạch được xấp xỉ 350 tấn củ tươi, mang về nguồn thu hơn 7 tỷ đồng…

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, trong quá trình thực hiện Dự án, nhiều hộ gia đình đã biết chú trọng đầu tư, thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn nên cho năng suất, hiệu quả kinh tế “khả quan”, mở ra nhiều triển vọng “thoát nghèo” và làm giàu. Đơn cử như tại xã vùng cao Bản Già, với 234 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, có đến 175 hộ thuộc diện nghèo. Từ năm 2016, theo chủ trương của huyện, xã Bản Già được quy hoạch trồng cây dược liệu đương quy, với diện tích hơn 4 ha. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, được chăm sóc chu đáo nên cây đương quy phát triển khá tốt, cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với sản xuất ngô, lúa. Điển hình như hộ anh Tráng Xuấn Là. Năm 2019, gia đình chỉ trồng hơn 4.000 m2 cây đương quy, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, thời tiết lại ủng hộ nên cây sinh trưởng phát triển tốt, thu hoạch được trên 6 tấn củ, mang về nguồn thu gần 120 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn đối với một gia đình nông dân vùng cao.

Những cánh đồng dược liệu quý hiếm đang mở ra cơ hội xóa nghèo, làm giàu chính đáng cho người nông dân Bắc Hà

 

Ở xã vùng cao Bản Già hiện nay, mặc dù diện tích trồng dược liệu còn khá khiêm tốn, nhưng về lâu dài, đây sẽ là hướng đi mới mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu chính đáng cho bà con thiểu số địa phương. Còn với xã Lùng Phình, là một trong 8 xã vùng cao nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu giống của huyện. Hiện, đã đưa vào trồng 4 loại cây dược liệu chính là: atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh. Cây dược liệu trồng tại đây tỏ ra khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình mỗi ha cây dược liệu cho thu từ 80 - 200 triệu đồng.

Thực hiện các nội dung của dự án, đáng phấn khởi là cấp ủy, chính quyền các xã đã quan tâm vào cuộc, chỉ đạo tích cực. Bà con vùng dự án nhận thấy được hiệu quả kinh tế thiết thực nên đã hăng hái, tích cực tham gia trồng và mở rộng diện tích cây dược liệu.

Quan tâm quy hoạch, mở rộng diện tích

Từ những “trái ngọt” thu được trong phát triển cây dược liệu giai đoạn 2014-2020, năm 2020 này huyện Bắc Hà tiếp tục mở rộng, thực hiện trồng 90 ha cây dược liệu, trong đó nhà nước hỗ trợ 48 ha, nhân dân và doanh nghiệp tự thực hiện 42 ha. Đến thời điểm này, các xã đã hoàn thành 100% diện tích. Cây atiso đã cho thu hoạch lá đợt 2, cây đương quy đã mọc được 1-2 lá, các hộ đang trồng dặm vào những diện tích mất khoảng…

Bà Vù Thị Máy- Phó chủ tịch UBND xã Thải Giàng Phố cho biết: “Thải Giàng Phố là xã đồng bào Mông, năm 2019-2020, được giao chỉ tiêu thực hiện 4 ha cây đương quy. Bà con đã trồng xong trước tết. Đến nay, cây đang lên mầm xanh với tỷ lệ nảy mầm tương đối cao. Xã nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, trồng lúa bởi trước đó đã thực hiện tại 2 thôn Ngải Phòng Chồ và Dì Thàng,  xã mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, để bà con yên tâm và tích cực hơn nữa trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mở rộng diện tích trồng dược liệu…”.

Cây dược liệu tuy mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng được xét vào loại cây trồng khó tính. Sau hơn 10 năm vừa làm vừa học hỏi, đến nay huyện Bắc Hà đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm “quý” và quan trọng hơn cả, là đã xác định được những khu vực, những xã phù hợp về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển mở rộng diện tích. Bà Nguyễn Thị Huê- Giám đốc trung tâm DVNN huyện Bắc Hà cho biết: “Huyện Bắc Hà đã quy hoạch được 9 xã trọng điểm vùng trồng dược liệu, nhưng trong quá trình thực hiện thấy có 5 xã triển vọng, chủ lực gồm Bản Già, Lùng Cải, Tả Văn Chư, Lùng Phình và xã Thải Giàng Phố. Từ năm 2010, thực hiện mô hình 1 ha cây atiso tại Na Hối, thấy khả năng thích ứng cũng như hiệu quả kinh tế, huyện tiếp tục quan tâm phát triển và mời gọi các công ty. Đến nay đã ký biên bản ghi nhớ với 6 công ty về tiêu thụ sản phẩm cho huyện Bắc Hà; đã phối hợp cùng các công ty khảo nghiệm, thử nghiệm 29 loài dược liệu khác nhau trên địa bàn huyện Bắc Hà. Cây dược liệu tuy hiệu quả kinh tế rất cao nhưng rất khó làm, nên cần khảo nghiệm kỹ, sau đó xây dựng quy trình kỹ thuật, dần dần mới có quy trình chuẩn để áp dụng trên diện rộng, để hiệu quả kinh tế làm sao được cao nhất…”.

Dẫn đầu toàn tỉnh trong lĩnh vực giống cây dược liệu

Hiện nay, huyện vùng cao Bắc Hà đang triển khai một số đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, điển hình có thể kể đến Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế (đương quy, đan sâm, cát cánh) theo hướng tiêu chuẩn GACP – WHO”. Hiện Đề tài đang trong giai đoạn hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, chỉ tiêu theo dõi, chuẩn bị báo cáo đánh giá nghiệm thu vào tháng 3/2020.

Mô hình nghiên cứu sản xuất giống cây dược liệu đương quy ở Bắc Hà.

 

Trước đây nguồn giống dược liệu được xem là trăn trở lớn của Bắc Hà, bởi giá giống cao, thị trường lại bấp bênh, phụ thuộc phần lớn vào nước bạn… Nhưng đến nay, sau 3 năm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và nỗ lực trong hoàn thiện các quy trình, huyện đã chủ động được 100% về giống cát cánh, 80% giống cây đương quy, đang hoàn thiện quy trình để giống cây đan sâm bằng rễ để hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Huê cho biết: “Từ năm 2017, Trung tâm DVNN huyện Bắc Hà đã bảo vệ được đề tài để sản xuất 3 loại giống đương quy, đan sâm và cát cánh. Đến thời điểm này đơn vị đang cố gắng hoàn thiện quy trình chuẩn và đã chủ động được hoàn toàn về giống cát cánh, 80% về giống đương quy. Đây là thành công lớn, được UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao về những nỗ lực, cố gắng của Bắc Hà. Thời gian tới, đơn vị sẽ nỗ lực bảo vệ thành công các đề tài, nhất là với quy trình để giống cây đan sâm bằng phương pháp rễ, để sớm có quy trình chuẩn áp dụng vào thực tế trên địa bàn huyện Bắc Hà nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung, những nơi có khí hậu tương đồng…”.

Cũng theo bà Huê: Huyện Bắc Hà rất quan tâm đến việc phát triển cây dược liệu và coi đây là cây trồng chủ lực xóa nghèo “bền vững” cho người dân. Do vậy, huyện và các ban, ngành, đoàn thể đã định hướng tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện tốt nhất để đơn vị tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm. Năm 2020, huyện Bắc Hà xây dựng phương án giao đất để Trung tâm DVNN huyện xây dựng xưởng sơ chế, chế biến và đã được UBND tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng trên 1,2 tỷ đồng. Mong muốn lớn nhất là các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các xã và bà con nhân dân, các công ty, doanh nghiệp… sẽ cùng chung tay vào cuộc, liên kết “bốn nhà”, để thực hiện thành công dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2014-2020,  để hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu mang lại ngày càng cao./. 

                                                                            Khuất Linh

TT Văn hóa, Thể thao, Truyền thông huyện Bắc Hà- tỉnh Lào Cai