Ông Trần Quang Hạnh, chủ tịch UBND xã chia sẻ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế từ chính mảnh đất quê hương mình, Cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra các Nghị quyết chuyên đề, những giải pháp kịp thời sát với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, thành phố đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống kênh mương thủy lợi; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp... trên cơ sở khai thác những lợi thế, tiềm năng về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nguồn lực lao động. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, bà con đã nâng cao nhận thức, chủ động đưa các giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao về trồng.

Chị Nguyễn Thị Vui đang làm cỏ sau khi thu hoạch rau

Thành công nổi bật hơn cả là sự chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng, giá trị kinh tế khu vực chăn nuôi và thủy sản.

Hiện nay Vạn Hòa có 3 hợp tác xã chăn nuôi theo hình thức công nghiệp với quy mô mỗi trang trại hàng chục nghìn con gia cầm, có trên 100 hộ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi hàng trăm con gia cầm, hàng chục đầu lợn thịt, lợn nái.

Diện tích mặt nước nuôi thủy sản được cải tạo, mở rộng từ hơn 10 ha lên 20 ha. Dù chưa có mô hình nuôi cá bán công nghiệp, nhưng đã có những hộ mạnh dạn đầu tư thâm canh nâng cao năng suất thủy sản lên gấp 2-3 lần so với trước đây.

Xã đã thành vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa với các sản phẩm như rau an toàn (40 ha), trồng dứa xen canh (30 ha), ngô xuân (5 ha), trồng lúa xuân (5,3 ha). 

Cùng với cây lúa, các loại cây ăn quả ngắn ngày cũng được xã quy hoạch, khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi vùng đất kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn quả ngắn ngày. Điển hình như trồng dứa, na, hồng xiêm, xoài mít  ở thôn Cầu Xum, thôn Giang Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa trước kia với tổng diện tích 65 ha, cho thu nhập 120 triệu đồng trên một đơn vị diện tích canh tác.

Đến nay, xã đã thành vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa với các sản phẩm như rau an toàn (40ha), trồng dứa xen canh (30ha), ngô xuân (5ha), trồng lúa xuân (5,3ha). 

Hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã mở ra hướng đi mới giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương hoàn thành vào năm 2014, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của thành phố.

Có được kết quả nêu trên chính quyền và người dân trong xã không chỉ tích cực chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở rộng diện tích để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; mà còn ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ để nâng cao chất lượng, sản lượng. Chính vì vậy đã giúp nông dân làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, góp phần cải thiện đời sống và từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển bền vững.

                                                                   Đoàn Thị Toan

Trạm Khuyến nông thành phố Lào Cai