Với dân số gần 1,2 triệu người và hàng năm tiếp đón trên 7,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch trong đó có gần 3 triệu lượt khách quốc tế, có thể nói Quảng Ninh là thị trường tiêu thụ nông sản lớn. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp vận động nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản.

Theo thống kê toàn tỉnh có diện tích lúa cả năm là 40,5 ngàn ha, cho sản lượng thóc đạt trên 250 ngàn tấn/năm (năng suất bình quân 62,5 tạ/ha). Diện tích sản xuất rau đạt 11.000 ha. Diện tích cây ăn quả đạt 9-12 ngàn ha, sản lượng 35-70 ngàn tấn. Diện tích chè đạt 1.800 ha cho sản lượng 16.000 tấn. Vùng sản xuất dong riềng nguyên liệu tại Bình Liêu 300 ha, Tiên Yên 440 ha phục vụ chế biến các sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu

Việc tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện dưới nhiều hình thức và nhiều kênh phân phối khác nhau, như thông qua hệ thống chợ, chợ truyền thống, thông qua thương lái (không hợp đồng), thông qua hợp đồng thương mại, thông qua hợp đồng liên kết giữa cung ứng vật tư nông nghiệp với tiêu thụ sản phẩm (các hợp tác xã, doanh nghiệp). Sản phẩm tiêu thụ qua các chợ truyền thống, chủ yếu là các sản phẩm sản xuất tại địa phương, manh mún, nhỏ lẻ do người nông dân làm ra và trực tiếp bán tại các chợ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, các sản phẩm loại này gồm rau, củ, quả, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm… Đối với nông sản tiêu thụ thông qua thương lái chủ yếu là rau củ quả tươi, dược liệu, thủy sản và sản phẩm sơ chế, chế biến…

Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Ngành Nông nghiệp & PTNT Quảng Ninh chú trọng tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách và chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo kiểm soát tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, phát triển nhân rộng mô hình áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Do đó đã đạt được một số kết quả như cơ cấu cây trồng từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và nâng cao giá trị, gắn sản xuất với thị trường. Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chăn nuôi được duy trì, phát triển mạnh theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Chất lượng sản phẩm thủy sản được kiểm soát chặt chẽ thông qua các chương trình giám sát quốc gia về đảm bảo ATTP. Ngành cũng tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, từng bước hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn mà sản phẩm kém chất lượng có thể mang lại. Từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã dần hình thành liên kết, khắc phục được tình trạng ép giá, cung ứng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, góp phần thực hiện tốt các quy trình sản xuất tiên tiến, nâng cao được chất lượng, giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó các doanh nghiệp cũng mua được nông sản có chất lượng, nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định để chế biến và tiêu thụ.

Nuôi lồng bè trên biển tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Thực tế đã có những mô hình sản xuất liên kết với tiêu thụ hiệu quả, như mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long, công ty CP Đầu tư Song Hành, công ty CP Khai thác KS Thiên Thuận Tường,... Triển khai chương trình phối hợp năm 2015-2016 giữa hai Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội - Quảng Ninh về tình hình sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kết quả đã có 06 cơ sở sản xuất kinh doanh với 15 sản phẩm được quảng bá và tiêu thụ tại Hà Nội trong Tuần lễ nông sản an toàn. Một số sản phẩm như: Nước mắm Cái Rồng, Chả mực Hạ Long, Rượu Ba Kích,… được giới thiệu tại Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản của Bắc Bộ. Đặc biệt, năm 2016 với sự quyết tâm vào cuộc của Ban điều hành OCOP tỉnh và các cấp ngành, các sản phẩm tham gia Hội chợ OCOP đều tăng cả về số lượng, chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã hàng hóa. Một điều quan trọng là các sản phẩm thực phẩm nông sản tham gia hội chợ OCOP được sản xuất từ các cơ sở đã được cơ quan chức năng chứng nhận đủ điều kiện ATTP, đều có nhãn hàng hóa theo quy định. Những thực phẩm tươi sống, khô, đông lạnh... hầu hết có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc có tem, túi bao gói, nhãn nhận diện sản phẩm, do vậy đã tạo niềm tin cho khách hàng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT về hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các cơ sở bán thực phẩm nông sản trực tiếp cho người tiêu dùng được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhu cầu và tự nguyện đăng ký được lấy mẫu kiểm nghiệm nếu bảo đảm ATTP thì được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn. Như vậy, việc cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn sẽ là một bước nâng cao hơn nữa trong việc đảm bảo ATTP để người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm an toàn, từ đó đảm bảo đầu ra, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay ở Quảng Ninh vẫn còn một số khó khăn. Quy mô sản xuất sản phẩm địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún nên sản lượng sản phẩm, phẩm cấp chủng loại mỗi sản phẩm chưa cao và việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết sản xuất an toàn còn thấp sẽ rất khó cho việc kết nối tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp còn thiếu đất sản xuất, địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản trong tỉnh. Khó khăn nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng còn hạn chế. Giá cả của các sản phẩm sản xuất theo quy trình an toàn thường cao nên khó tiếp cận đến đông đảo người tiêu dùng, trong khi nhận thức của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm còn đang hạn chế, đặc biệt là thói quen từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng từ lâu ít quan tâm đến ATTP, nguồn gốc xuất xứ, ham rẻ khó thay đổi. Công tác thông tin tuyên truyền và xúc tiến thương mại nông nghiệp còn thiếu và yếu. Chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Vì vậy, để tăng cường công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra một số giải pháp, cụ thể:

- Đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông sản cần được kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và chịu trách nhiệm về ATTP đối với các sản phẩm của mình. Sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ phải có nhãn hàng hóa theo quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng nâng cao nhận thức về ATTP và thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

- Cung cấp thông tin về danh sách cơ sở đủ điều kiện, cơ sở mất an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như với các tỉnh bạn.

- Phát huy thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm hiện có và ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp mới.

- Thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

- Ban hành chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị.

- Xây dựng các chương trình hội nghị, hội thảo kết nối, giao thương sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực hướng đến xuất khẩu.

Chu Văn Trí

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh