Diễn đàn thu hút 285 đại biểu là đại diện các cơ quan: Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc, các đơn vị trực thuộc; trung tâm khuyến nông và 200 nông dân của 7 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc). Tham dự và đưa tin có đại diện các cơ quan đơn vị thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã thăm mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ rau an toàn của Hợp tác xã Rau an toàn Visa tại xã Đại Từ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc và Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc.

Các đại biểu thăm Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh

Xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn nhằm tăng cường sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn, chất lượng đảm bảo của thị trường trong nước và xuất khẩu, qua đó giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống sản xuất. Việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Hiện nay đã có hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nhiều mô hình liên kết đạt hiệu quả cao như: mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, các mô hình HTX trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP...

Tại Diễn đàn, đại biểu nông dân, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã thảo luận sôi nổi các vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ban cố vấn đã giải đáp toàn bộ các câu hỏi do đại biểu đặt ra tại Diễn đàn (41 câu hỏi), theo đó những câu hỏi đều tập trung về vấn đề thị trường tiêu thụ, cách tìm kiếm và tiếp cận thị trường. Ngoài ra  còn một số nội dung khác như: tổ chức quản lý sản xuất, kỹ thuật sản xuất, lựa chọn vật tư đầu vào đáp ứng yêu cầu liên kết, chính sách khuyến khích hỗ trợ....

Thảo luận tại Diễn đàn, các đại biểu chia sẻ, cơ chế chính sách về hỗ trợ liên kết sản xuất của nhà nước khá đa dạng nhưng còn dàn trải, chưa tập trung giải quyết những yêu cầu cấp thiết trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thị trường kể cả nội tiêu và xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản thiết yếu và có thế mạnh của Việt Nam ngày càng rộng mở, khối lượng hàng hóa tiêu thụ cũng như giá trị sản phẩm ngày một tăng cao. Tuy nhiên, các thị trường này cũng đang dần khó tính hơn, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn đối với người tiêu dùng và môi trường cũng cao hơn. Chính vì vậy, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng nông sản đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng gồm nông dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp... nhằm giữ vững uy tín thương hiệu, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn tại Diễn đàn

TS Hạ Thúy Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm KNQG đã tổng kết một số giải pháp tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như sau:

- Các địa phương cần đẩy mạnh thông tin về quy hoạch vùng sản xuất, cập nhật thông tin thị trường trong và ngoài nước để có định hướng mở rộng sản xuất và liên kết tiêu thụ.

-  Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông các tỉnh để hỗ trợ người dân quản lý sản xuất, quản trị doanh nghiệp, đẩy nhanh hình thành các tổ nhóm liên kết sản xuất, các Hợp tác xã theo yêu cầu của Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Tăng cường liên kết để thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất an toàn theo VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP... đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị tiêu thụ sản phẩm và định hướng xuất khẩu.

-  Đẩy mạnh phát triển xây dựng các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các tổ nhóm, HTX sản xuất để chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng.

-  Xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo chiều dọc từ cung cấp vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết theo chiều ngang giữa các tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã để hỗ trợ, phối hợp các khâu trong quá trình sản xuất.

-  Xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong vùng nguyên liệu và các trang trại vệ tinh để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm và gia tăng lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp.

Qua Diễn đàn này, Trung tâm KNQG cũng đề nghị trung tâm khuyến nông các tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền, giới thiệu nhiều hơn nữa các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ hiệu quả để nông dân tham quan học tập, đồng thời định hướng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp đặc trưng của vùng miền, địa phương.

TS Hạ Thúy Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm KNQG kết luận Diễn đàn

Đỗ Tuấn - Nguyễn Sâm