Là một trong những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng sen ở huyện Nam Sách, chị Lê Thị Nhã ở thôn An Xá, xã Quốc Tuấn trồng gần 2 ha sen cho biết, trước đây trên diện tích đồng trũng của gia đình mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, vừa vất vả mà thu nhập lại thấp. Để tìm hướng chuyển đổi phù hợp, gia đình chị Nhã đã quyết định đưa cây sen vào trồng thử. Khi thấy hiệu quả trồng sen cao hơn cấy lúa, gia đình chị mạnh dạn mở rộng diện tích trồng sen.

Trồng sen trên vùng đất trũng giúp người dân Nam Sách co thêm thu nhập

 

Theo chị Nhã, sen là loại cây rất dễ trồng, sức sinh trưởng mạnh mẽ, thích nghi rất tốt với mọi thời tiết, phù hợp với chất đất của các vùng đất thấp trũng và không đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp. Để sen phát triển tốt thì tùy giai đoạn phát triển mà điều chỉnh mực nước phù hợp. Muốn sen phát triển nhanh, tươi tốt, thu hoạch được lâu, năng suất cao thì phải chăm sóc thường xuyên bằng cách bón phân đầy đủ. Khi lá sen lớn, tán lá to, yêu cầu bón phân không được dính trên lá, lá sẽ bị héo dẫn đến chết cây. Sau 3 tháng sen già phải cắt lá và bón phân một đợt.

Hàng năm, sen được thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Sen chỉ trồng một lần mà có thể thu hoạch trong nhiều năm liền, đặc biệt hoa sen và đài sen là những sản phẩm được yêu thích nên tiêu thụ khá thuận lợi. Vụ sen năm nay, thời tiết thuận lợi nên sen phát triển tốt, hạt sen to, trừ chi phí gia đình chị Nhã thu lãi 120 triệu đồng.

Nam Sách hiện có hơn 10 ha trồng sen tập trung ở các xã Quốc Tuấn, Đồng Lạc, Nam Trung, An Bình. Nhờ có cây sen mà hiện nay hầu hết các diện tích ao, đầm ở những vùng thấp trũng đã được khai thác đưa vào sản xuất, không còn bỏ hoang như trước, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ổn định cho các hộ nông dân nơi đây.

Nguyễn Thị Tuyền

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương