Xu hướng bỏ ruộng đang diễn ra phổ biến tại một số địa phương ở Nam Định, đặc biệt trong sản xuất cây trồng vụ đông. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chí phí lao động cao, chưa liên kết được với thị trường tiêu thụ. Mô hình được triển khai với mục đích phát triển diện tích cây trồng vụ đông theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân.

Địa bàn triển khai mô hình là vùng có truyền thống sản xuất cây vụ đông của huyện Vụ Bản. Người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cây vụ đông, hăng hái áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Giống ngô sử dụng là Golden Cob. Quy mô triển khai 10 hecta với 56 hộ nông dân tham gia. Ngoài kinh phí được nhà nước hỗ trợ 50% giống và 50% phần vật tư thiết yếu, lượng giống và vật tư còn đều được người dân đối ứng đầy đủ theo quy trình sản xuất.

Kết quả mô hình trình diễn cho thấy, giống ngô ngọt Golden Cob có khả năng thích ứng rộng, có thời gian sinh trưởng ngắn 65-68 ngày, cây cứng khỏe, bộ rễ chân kiềng lan rộng nên khả năng chống đổ tốt. Đặc biệt, giống có bộ lá xanh đậm cho tới khi thu hoạch nên có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Năng suất ngô bắp đạt 15,3 tấn/ha, sản lượng đạt 153 tấn. Khối lượng thân, lá ước thu được 145 tấn. Toàn bộ sản phẩm ngô bắp của mô hình được doanh nghiệp thu mua với giá 4.000 đồng/kg. Thân, lá ngô được người dân bán cho doanh nghiệp và các nông trại chăn nuôi trên địa bàn với giá bình quân 600 đồng/kg. Hạch toán kinh tế mỗi hecta trồng ngô Golden Cob cho thu 69.900.000 đồng, lãi thuần đạt 28.000.000 đồng, cao hơn nhiều so với các giống ngô lấy hạt trồng đại trà tại địa phương.

Mô hình giống ngô ngọt Golden Cob sau 55 ngày trồng

 

Ông Phạm Văn Lưu, nông dân tham gia mô hình cho biết: "Khi Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Vụ Bản  triển khai mô hình tại địa phương, gia đình tôi đăng ký trồng 5,5 sào. Quá trình triển khai gia đình rất lo lắng vì giống ngô ngọt mới được trồng lần đầu tại địa phương. Nhưng sau gần hai tháng trồng và chăm sóc, tôi thấy cây sinh trưởng phát triển tốt và phù hợp với đồng đất tại địa phương. Giống ngô ngọt này có những ưu điểm nổi trội: tỷ lệ mọc mầm cao, cây mọc đều, ít sâu bệnh. Đến thời điểm này mỗi cây đều cho bắp chắc, đẹp. Toàn bộ sản phẩm được Trung tâm Chuyển giao giới thiệu doanh nghiệp thu mua".

Ông Bùi Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Vụ Bản cho biết: “Từ kết quả đạt được của mô hình, chúng tôi sẽ tham mưu và báo cáo với UBND huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích cây ngô ngọt trên địa bàn tỉnh theo hướng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra. Đây cũng là trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển cây vụ đông của Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2021 – 2025”.

Hoàng Tuyển Phương

Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Cetdae)