Năm 2018 với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn đối ứng của người dân, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã xây dựng thành công 6 mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên và Sơn La.

Dự án được thực hiện trên quy mô 300 ha với 40 ha giống Shéng Cù tại Lào Cai, 40 ha giống Shéng Cù tại Lai Châu, 60 ha giống Hương Chiêm tại Yên Bái, 40 ha giống Già Dui tại Hà Giang, 60 ha giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá tại Điện Biên và 60 ha giống BC15 tại Sơn La.

Khi tham gia thực hiện dự án, nông dân được dự án hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Riêng tại huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang là huyện nghèo 30a nên toàn bộ giống và vật tư nông nghiệp được hỗ trợ 100%.

Ngoài hỗ trợ về hạt giống và vật tư, 1.500 hộ nông dân tham gia dự án còn được cán bộ kỹ thuật của dự án hướng dẫn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu làm đất, ngâm ủ hạt giống, gieo cấy, bón phân chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật canh tác lúa SRI và "3 giảm 3 tăng".

Hội thảo xây dựng mô hình thâm canh lúa chất lượng cao

100% nông hộ tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang và Yên Bái đã áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” rất tốt vào các mô hình trồng giống Shéng cù, Già Dui, Hương Chiêm. Cụ thể, lượng giống giảm 11,1-33,3%, giảm lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật từ 16,7-50,5%, năng suất tăng từ 18,0-33,6%, lãi thuần đạt cao 36,5-77,2 triệu đồng/ha và vượt hơn so với mô hình đối chứng từ 11,9-17,2 triệu đồng/ha, tương đương mức vượt 21,9-48,2%.

Đối với các hộ áp dụng quy trình SRI cho mô hình thâm canh các giống lúa mới năng suất chất lượng cao (BC15 tại Sơn La và Bắc thơm 7 kháng bạc lá tại Điện Biên), bà con đã giảm 25,0-33,3% lượng hạt giống gieo, giảm 7,1% lượng đạm bón, 25,0-29,2% lượng thuốc bảo vệ thực vật ; qua đó giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu từ 11,4-12,1% so với mô hình đối chứng. Năng suất vượt so với sản xuất đại trà từ 16,4-23,6%, lãi thuần đạt cao hơn từ 9,6-12,7 triệu đồng/ha, tương đương mức vượt từ 32,1- 33,7%. 

Theo ý kiến của nhiều bà con nông dân, mô hình thâm canh tổng hợp theo SRI và “3 giảm 3 tăng” cho năng suất cao, hiệu quả sản xuất cao hơn so với những giống đại trà, cũng như so với chính giống đó canh tác theo phương thức truyền thống cũ của địa phương, qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân trồng lúa vùng miên núi phía Bắc.

Một số mô hình tiêu biểu thâm canh tốt cho hiệu quả vượt >30% so với sản xuất đại trà như: Mô hình thâm canh giống Hương Chiêm tại Yên Bái cho lãi thuần vượt so với ngoài mô hình là 11,9 triệu đồng/ha, tương đương vượt 48,2%; Mô hình thâm canh giống Già Dui tại Hà Giang cho lãi thuần cao hơn đại trà là 13,4 triệu đồng/ha, tương đương vượt đại trà 31,6%; Mô hình thâm canh giống BC15 tại Sơn La cho lãi thuần vượt so với ngoài mô hình là 9,6 triệu đồng/ha, tương đương vượt 32,1%; Mô hình thâm canh giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá tại Điện Biên cho lãi thuần vượt so với đại trà 12,7 triệu đồng, tương đương mức vượt 33,7%. Nhìn chung các mô hình đều đạt và vượt mục tiêu của dự án (năng suất vượt so với sản xuất đại trà từ 18,8-31,3% (mục tiêu vượt tối thiểu 15% về năng suất), hiệu quả kinh tế vượt so với sản xuất đại trà từ 21,9-48,2% (mục tiêu vượt >20% về hiệu quả kinh tế).

Theo đánh giá của ông Lưu Trọng Dương phó phòng nông nghiệp huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai trước đây người nông dân trên địa bàn huyện  sản xuất còn nhỏ lẻ, trên cùng một khu cánh đồng còn gieo trồng nhiều giống lúa, dẫn tới tình trạng khó quản lý về sâu bệnh hại, do thời vụ của các giống khác nhau cũng dẫn tới nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch, bảo quản cũng như khó để xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa. Năm 2018 nhờ sự hỗ trợ của dự án và đặc biệt sự hướng dẫn của các bộ kỹ thuật đã giúp người sản xuất lúa tại địa phương dần chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, giảm sâu bệnh hại, tăng năng suất cây trồng và tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Ngoài ra, nét mới của dự án này là hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm bằng việc giới thiệu các doanh nghiệp/công ty thu mua nên giúp ổn định đầu ra và giá bán cho người dân.

Cũng trong năm 2018, dự án đã tích cực đào tạo tập huấn cho 1.200 lượt nông dân của các xã, huyện lân cận, với 30 lớp tập huấn ngoài mô hình, thời lượng tập huấn cho mỗi lớp là 3 ngày. Đến với lớp tập huấn người dân được tiếp xúc với phương pháp đào tạo ngày càng được đổi mới, cụ thể là ưu tiên sử dụng phương pháp lớp học nông dân hiện trường (FFS). Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu của học viên, tổ chức giảng dạy ngay trên đồng ruộng, học viên được thực hành, lập kế hoạch hành động sau khi học nên rất hiệu quả.

Năm 2018, dự án đã tổ chức thành công 06 hội nghị thăm quan với tổng số đại biểu tham gia là 740 người. 6 hội nghị tổng kết, 6 hội nghị liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm tại 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La và Điện Biên. Các hội nghị đều mang tính chất tuyên truyền sâu rộng đến người sản xuất lúa trên địa bàn, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số.

Hội nghị thăm quan mô hình tại Văn Yên – Yên Bái

Với vai trò là đơn vị trung gian gắn kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Dự án với các hội nghị liên kết tại 6 tỉnh đã móc nối giúp bà con tìm được các công ty, đại lý và hợp tác xã uy tín, vừa giúp bà con tìm được nguồn cung cấp giống, vật tư uy tín vừa là nơi tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo đáng tin cậy. Trong năm 2018, tổng sản lượng lúa của 06 mô hình thâm canh tại 6 tỉnh đạt 1.848 tấn thóc. Ngay sau vụ thu hoạch các đơn vị thu mua đã tiến hành ký kết thu mua được 780 tấn thóc (chiếm 42,2%) cho bà con với mức giá hợp lý (lúa Shéng Cù - Lào Cai, Lai Châu giá 14.000-15.000 đ/kg, lúa Hương chiêm - Yên Bái giá 8.000 đ/kg, Già Dui - Hà Giang giá 11.000 đ/kg, Bắc thơm 7 - Điện Biên giá 9.000 đ/kg, BC15 - Sơn La giá 8.000 đ/kg).

Tiếp tục thành công của dự án, năm 2019 các mô hình canh tác theo SRI và 3 giảm 3 tăng được nhân rộng ở hầu khắp các huyện của 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La và Điện Biên. Thời điểm hiện tại các mô hình đều đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh-đẻ nhanh chuẩn bị cho một mùa vụ bội thu.

Bùi Thị Chuyên

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc