... nhằm định hướng chuyển đổi diện tích đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả cao theo hướng bền vững, ổn định lâu dài, góp phần giữ vững tốc độ phát triển chung toàn ngành, nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán độc canh cây lúa và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. 

Nhờ chủ động đề ra các giải pháp linh hoạt ứng phó với hạn, cùng với những chính sách thu hút các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nên đến nay mặc dù lượng nước ở 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh xuống thấp nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì phát triển.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị Quyết, cùng các Chương trình hành động trong lĩnh vực nông nghiệp của Tỉnh ủy; Kế hoạch, Quyết định giao chỉ tiêu hàng vụ/năm của Ủy ban nhân dân tỉnh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với từng địa phương tổ chức triển khai từ giai đoạn năm 2016 đến vụ Đông Xuân năm 2019-2020 đã vận động nông dân chuyển đổi theo hướng luân canh và bền vững trên đất lúa được 5.007,56 ha, thu nhập đạt hơn 464 tỷ đồng. Trong đó, tổng sản lượng cây ngắn ngày đạt khoảng 33.614,5 tấn, thu nhập hơn 304 tỷ đồng; sản lượng cây dài ngày đạt khoảng 120.907,25 tấn, thu nhập đạt hơn 160 tỷ đồng. Đồng thời, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây rau màu, cây họ đậu, cây ăn quả,... đã giúp tiết kiệm được khoảng 20-30% lượng nước tưới.

Mô hình chuyển trồng thâm canh bắp vụ Hè thu trên đất lúa kém hiệu quả và nguy cơ khô hạn cao 

 

Không dừng lại ở việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh mà còn hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung quy mô lớn theo quy hoạch với ngành hàng có lợi thế và tạo ra khối lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường. Đơn cử như chuối, bưởi da xanh tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái; kiệu tại xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn; đậu xanh tại thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn; hình thành vùng chuyên canh nho tại khu vực trạm bơm Thành Sơn, huyện Ninh Hải; táo tại xã Phước Thuận, Phước Sơn, huyện Ninh Phước; măng tây xanh tại xã An Hải và vùng nguyên liệu sản xuất giống bắp lai tại xã Phước Vinh, Phước Sơn, huyện Ninh Phước; vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày khoai mì, mía phục vụ chế biến ở xã Mỹ Sơn, Quảng Sơn, Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, xã Phước Trung, xã Phước Chính Bác Ái; vùng chuyên canh cây công nghiệp chế biến hạt Điều tại xã Công Hải huyện Thuận Bắc, xã Phước Bình huyện Bác Ái.

Đáng nói là, trong sản xuất hình thành các mô hình liên kết với doanh nghiệp từ canh tác đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Từ năm 2016, chỉ có 02 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư, liên kết hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân rất khiêm tốn, năng lực tài chính rất hạn chế đến nay đã có hơn 14 doanh nghiệp và HTX mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Điển hình là Liên kết sản xuất bắp lai: Công ty cổ phần C.P Việt Nam và Công ty cổ phần Giống cây trồng Đông Nam; Liên kết sản xuất măng tây xanh: Công ty TNHH Măng tây xanh Linh Đan, Trang trại Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Tiến, HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Xuân; Liên kết sản xuất đậu xanh, mè: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát; Liên kết thu mua nho, táo, tỏi: Công ty TNHH sản xuất- thương mại Mộc Thành Quả; Trang trại Quang Ninh,...; Liên kết sản xuất mía: Công ty cổ phần Mía đường Biên Hòa - Phan Rang, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam; Liên kết bao tiêu cây kiệu: 02 tư thương ở Đồng Tháp và Khánh Hòa trực tiếp ký hợp đồng cung ứng giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản lượng củ kiệu cho nông dân tại huyện Ninh Sơn và Bác Ái; Liên kết thu mua sắn nguyên liệu: Nhà máy Tinh bột Sắn Fococev; Liên kết tiêu thụ hạt điều: Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop.

Liên kết thu mua măng tây xanh trên địa bàn tỉnh

 

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ các địa phương rà soát đất trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước tưới chuyển sang trồng các cây chịu hạn, cây ăn quả, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng khu vực; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tiếp tục duy trì hoạt động liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Phấn đấu đến năm 2030 tốc độ giá trị gia tăng khu vực nông, lâm và thủy sản cao hơn giai đoạn 2015-2020, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có tính đặc thù của tỉnh với vai trò đầu tàu là các doanh nghiệp lớn liên kết với các tổ chức hợp tác với nông dân./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận