Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh Ninh Thuận có trên 68 trang trại chăn nuôi gia súc với tổng đàn trên 507.000 con. Trong đó đàn dê, cừu 298.995 con, 9 trang trại nuôi quy mô trên 660 con/trại; đàn bò 112.444 con, 14 trang trại nuôi quy mô trên 140 con/trại; đàn trâu 3.860 con; heo 92.227 con, 45 trang trại nuôi quy mô 900 con/trại liên kết với công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; đàn gia cầm trên 1.446.000 con, có 3 trang trại nuôi quy mô trên 4.000 con/trại và các vật nuôi khác. Như vậy, cả tỉnh có hơn 71 trang trại nuôi với quy mô lớn và hàng ngàn trang trại nuôi quy mô nhỏ và vừa. Hình thức chăn nuôi thâm canh, quảng canh, công nghiệp và bán công nghiệp, hộ gia trại,...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề ra định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi của tỉnh trong thời gian tới theo hướng tăng tỷ trọng. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 chiếm 33,9% cơ cấu giá trị ngành Nông nghiệp. Tổ chức lại chăn nuôi theo hướng gắn với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Chuyển từ nuôi phân tán sang tập trung theo quy mô trang trại vừa và nhỏ; duy trì chăn nuôi hộ gia đình theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Xây dựng sản phẩm đặc thù của địa phương, chuỗi giá trị thực phẩm sạch, tổ chức hợp tác, liên kết để tăng nguồn cung cấp đáp ứng yêu cầu thị trường; phát huy lợi thế thương hiệu chứng nhận của địa phương như cừu, dê, heo đen, gà thả vườn… gắn với chuỗi liên kết. Đặc biệt chủ cơ sở giết mổ cần nâng cao nhận thức về quản lý dịch bệnh, vệ sinh thú y, môi trường,  kết nối đầu ra, liên kết các doanh nghiệp hỗ trợ nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến.

Qua các tham luận báo cáo của các trang trại chăn nuôi, các cở sở giết mổ gia súc đã cho thấy cần có sự liên kết các chuỗi giá trị chặt chẽ hơn, xây dựng, nhân rộng các tổ nhóm chăn nuôi có hiệu quả. Từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù gắn với chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” có chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu như: sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận, dê Ninh Thuận, heo đen Bác Ái, gà Thuận Bắc…

Đồng chí Trần Quốc Nam đã phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ông đánh giá cao sự nổ lực của các sở ban ngành, các cơ sở, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi để có những kết quả tốt nhưng cần sự đột phá hơn nữa. Vì vậy, đề nghị ngành nông nghiệp tăng cường đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm khép kín; Sở Tài chính hỗ trợ các thương lái, chủ lò giết mổ, các doanh nghiệp đầu tàu trong tiêu thụ sản phẩm để đầu tư vào chuỗi liên kết; Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù của ngành chăn nuôi để nâng cao khả năng cạnh tranh mặt hàng thực phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, cần sự tiếp sức của các ban ngành truyền thông như Sở Du lịch để quảng bá các sản phẩm đặc sản để nhiều nơi biết đến. Từ đó tạo thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi Ninh Thuận có đầu ra ổn định, giúp nghề chăn nuôi phát triển bền vững trong thời gian tới./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận