Thực hiện quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 18/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt dự án “Ứng dụng san phẳng ruộng điều khiển bằng laser phục vụ Chương trình Cánh đồng lớn sản xuất lúa tại Ninh Thuận”, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức thực hiện ở nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh, trong đó cánh đồng tại thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước được thực hiện đầu tiên. Sau 102 ngày gieo trồng lúa, cánh đồng thôn Ninh Quý 2 đã cho thu hoạch.

Mô hình phá bờ dồn nhiều thửa nhỏ thành một thửa lớn sử dụng thiết bị san phẳng mặt ruộng bằng tia laser lần đầu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Việc san phẳng mặt ruộng bằng tia laser có lợi là tạo được mặt ruộng bằng phẳng sẽ sử dụng ít nước tưới (nếu ruộng bơm nước bằng động lực sẽ giảm chi phí nhiên liệu do rút ngắn thời gian bơm); tăng diện tích canh tác hữu hiệu thêm khoảng 3% (do phá bờ); người nông dân sẽ giảm thời gian cuốc gốc, áp dụng cơ giới làm đất, thu hoạch sẽ giảm thời gian rất nhiều. Mặt ruộng bằng phẳng sẽ hạn chế giống bị thất thoát thối úng do không thoát hết nước sau khi gieo; hạn chế ốc bươu vàng. Sử dụng máy sạ lúa đã giúp giảm lượng giống gieo sạ và công sạ lúa. Kết quả cho thấy, việc giảm lượng giống gieo giúp ruộng lúa thông thoáng, thuận lợi cho sinh trưởng phát triển tối ưu của cây lúa, hạn chế đổ ngã, dễ kiểm soát sâu bệnh hại, giúp tăng năng suất lúa.

Mô hình sử dụng giống lúa chất lượng Đài Thơm 8 và sử dụng máy sạ lúa phun đa năng để gieo sạ đã giảm lúa giống từ 200 - 250 kg/ha xuống còn 170 kg/ha. Năng suất ruộng mô hình đạt 72 tạ/ha (lúa tươi), cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 1-2 tạ/ha. Bên cạnh đó, giống lúa Đài Thơm 8 có giá bán cao hơn 700 đồng/kg so với giống lúa thường ngoài mô hình. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mô hình bình quân thu được là 12.205.000 đồng/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 5.605.000 đồng/ha.

Kết quả của mô hình là giảm các khoản chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân. Mô hình đã tạo bề mặt bằng phẳng của mặt ruộng giúp cho việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong canh tác lúa, quản lý dịch hại đạt hiệu quả tốt hơn trong các vụ tiếp theo.

Thực hiện mô hình san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng laser là kết quả của quá trình cụ thể hóa Nghị quyết 05 của Ban thường vụ tỉnh Ủy về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất. Và đồng thời thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh Ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu; theo đó tổ chức sản xuất cánh đồng lớn trên cơ sở phá bờ hình thành thửa ruộng có mặt ruộng tương đồng, tạo ra diện tích lớn để thuận lợi trong việc ứng dụng các giải pháp canh tác mới nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Đây là mô hình có ý nghĩa cả lý luận và thực tiễn đối với người nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhân rộng nhằm giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá lúa không có lợi cho người nông dân..

Phạm Thị Minh Loan

Trung Tâm Khuyến nông Ninh Thuận