Những năm gần đây, chăn nuôi dê, cừu phát triển bùng nổ do nhu cầu thịt động vật ăn cỏ tăng cao, dẫn đến việc cạnh tranh đồng cỏ chăn nuôi. Cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino với cường độ hết sức gay gắt, mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm dẫn đến việc thiếu thức ăn, nước uống làm hàng ngàn con gia súc tại Ninh Thuận bị chết. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã có các sáng kiến để duy trì, phát triển chăn nuôi bằng việc liên kết sản xuất, điển hình là Hợp tác xã Tân Hà, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam.

Hợp tác xã Tân Hà (HTX) có 10 thành viên sáng lập, với vốn hoạt động 1 tỷ đồng, do các thành viên đóng góp. HTX kinh doanh các loại dịch vụ nông nghiệp: cung cấp con giống, thịt gia súc các loại: bò, dê, cừu, heo đen,… Đi vào hoạt động từ tháng 8/2015, ông Phạm Minh Quang – chủ trang trại, kiêm giám đốc HTX cho biết: “Ngày trước, chúng tôi chăn thả là chủ yếu, các con cừu, dê tận dụng cỏ, lá rừng, rơm rạ sau thu hoạch,… Mấy năm gần đây, đồng cỏ càng ngày càng thu hẹp, việc chăn thả làm cho các bãi chăn ngày càng bị cạn kiệt, không đáp ứng đủ cho đàn dê, cừu ngày càng tăng; chất lượng bãi chăn cũng giảm, do tận dụng quá nhiều mà không bồi dưỡng, thiếu mưa dẫn đến sa mạc hóa. Thức ăn cho cừu, dê chỉ dựa vào nguồn tự nhiên nên năng suất, chất lượng đàn cừu, dê cũng kém dần đi. Chính vì thế, các hộ trong HTX đã liên kết để cùng nhau hình thành nên mô hình chăn nuôi bán công nghiệp như ngày nay”.

Đến tham quan trang trại nuôi cừu của HTX, ông Quang cho biết thêm “Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh, HTX đã áp dụng vào sản xuất từ thiết kế chuồng trại, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn, phòng trị bệnh thường gặp trên dê, cừu”. Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố, có khu vực nuôi nái sinh sản, vỗ béo, khu vực chế biến thức ăn, dự trữ thức ăn, máng ăn, máng uống, nền chuồng được vệ sinh sạch sẽ. Trao đổi với các công nhân làm việc chúng tôi được biết “Hàng tháng, chuồng trại được tẩy uế một lần bằng vôi, tẩy giun sán 3 tháng/lần, tắm chải định kỳ (1- 2 lần/tháng)”.

Để chủ động thức ăn vào mùa khô hạn, HTX đầu tư trồng cỏ với diện tích 1 ha có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đáp ứng khoảng 0,7 tấn cỏ/ngày cho đàn cừu. Đồng thời, HTX bổ sung thức ăn tinh 0,3 kg/con/ngày. Nhờ đó, từ khi hoạt động đến nay, tuy gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng HTX vẫn đạt được kết quả khá tốt. Với quy mô 1.00 con cừu, trung bình mỗi năm HTX xuất chuồng 5 lứa cừu đực vỗ béo, mỗi lứa 100 con, 3 tháng/lứa, khối lượng xuất chuồng 30 kg/con, với giá bán 80.000 đồng/kg thì mỗi năm HTX có doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ phát triển chăn nuôi nội bộ, HTX còn đầu tư cho một số hộ nhân nuôi cừu gia công, với quy mô khép kín từ cung cấp con giống, chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm với mức thu lãi của HTX chỉ 2%/đợt nuôi gia công nhằm tạo điều kiện cho những hộ không có vốn đầu tư ban đầu. Mô hình nuôi cừu vỗ béo ở HTX đã giúp đời sống của người tham gia vào HTX được cải thiện, trung bình mỗi hộ thu về 60- 70 triệu đồng/năm. Đồng thời, HTX còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. HTX liên kết với doanh nghiệp giết mổ, thương lái thu mua nên đầu ra sản phẩm luôn ổn định, tình trạng bán tháo gia súc do mất giá không còn, tạo tâm lý yên tâm cho các hộ tham gia sản xuất.

Để nghề chăn nuôi của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến tới thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng bán thâm canh và chăn nuôi thâm canh thì nông dân phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi. Cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ con giống, chuồng trại, trồng  và chế biến cỏ, cải thiện chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh, vỗ béo trước khi giết thịt… kế đến các giải pháp về cơ chế chính sách, thị trường tiêu thụ để nghề chăn nuôi phát triển bền vững hơn./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông NinhThuận