Những người nông dân cho biết, sau gần ba tháng xuống giống và chăm sóc (từ ngày 30/9 đến 27/12/2017), đây là lần thứ hai bà con có dịp ngắm một “cánh đồng lớn” với diện tích 100 ha nối liền nhau với màu vàng ươm của lúa chín rất đẹp (lần đầu tiên là vụ hè thu vừa qua, xã Phước Hậu đã thực hiện CĐL với diện tích 56 ha/103 hộ  tham gia)

Vụ mùa năm 2017, cánh đồng lớn (CĐL) xã Phước Hậu thực hiện trên diện tích 100 ha với 210 hộ thực hiện, tăng 44 ha so với vụ hè thu. Đây là CĐL của thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu sản xuất lúa liền vùng, liền thửa, có hệ thống giao thông, thủy lợi thuận tiện cho tưới tiêu, cơ giới hóa và cùng sử dụng một loại giống lúa TH41 nguyên chủng, theo quy trình 1 phải 5 giảm, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM.

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã tổ chức 4 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giống cho 210 hộ tham gia mô hình (thời vụ, kỹ thuật canh tác, giảm lượng giống gieo sạ, kỹ thuật ngâm ủ giống, chăm sóc và BVTV...).  Cùng với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn các biện pháp xử lý cỏ dại bằng các loại thuốc tiền nảy mầm hoặc hậu nảy mầm; kỹ thuật bón phân cân đối và hợp lý theo quy trình cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa; áp dụng quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo quy trình ướt – khô xen kẽ nhằm tiết kiệm nước. Truyền đạt kiến thức để nhận biết điều kiện phát sinh, phát triển và biện pháp quản lý các loại dịch hại trên cây lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng như: rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, khô vằn, lem lép hạt,… và các biện pháp phòng trừ. Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV giai đoạn từ 0-40 ngày sau sạ.

Máy gặt đập liên hợp hoạt động trên cánh đồng mẫu lớn xã Phước Hậu

Trong vụ mùa này, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Phước Hậu tiếp tục xuống giống 20 ha thực hiện sạ hàng theo mô hình “1 phải 5 giảm” và lần đầu tiên HTX đưa máy gieo hạt sử dụng thay thế thiết bị thủ công gieo hạt hàng. Máy sử dụng động cơ xăng có khả năng xuống giống 8-10 ha/ngày (đây cũng là máy sạ lúa, phun phân đầu tiên được sử dụng ở CĐL xã Phước Hậu). Với nông dân tham gia CĐL được ngân sách hỗ trợ 30% tiền mua lúa giống và thuốc phòng trừ sâu bệnh hại. HTX cam kết thu mua lúa hàng hóa của nông dân cao hơn 100 - 200 đồng/kg so với thị trường cùng thời điểm.

Theo dự kiến, năng suất bình quân đạt, đối với lúa sạ lan bằng tay 64,3 tạ/ha, giá bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp là 5.700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được là 16.301.000 đồng/ha.

Đối với lúa sạ bằng máy sạ lúa phun phân, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha, giá bán 5.700 đồng/kg, lợi nhuận đạt 17.300.000 đồng /ha; Chênh lệch lợi nhuận so với lúa sạ tay trong mô hình là 999.000 đồng/ha, tăng gần 1,5 tấn/ha so với làm lúa kiểu truyền thống của vụ mùa năm trước. 

Cùng với đó là sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu đã giúp người dân rất phấn khởi và an tâm sản xuất.

Thành công của mô hình đã làm thay đổi tập quán canh tác của đồng bào Chăm nơi đây. Với kỹ thuật gieo sạ hàng và sạ thưa, mô hình giúp bà con tiết kiệm chi phí từ gieo 300 đến 350 kg/ha trước đây xuống còn 150 đến 200 kg/ha. Cùng với đó, việc gieo đồng loạt một loại giống và cùng thời gian còn giúp nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giảm chi phí thu hoạch. Trong thời gian tới HTX, cùng với UBND xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước sẽ vận động bà con phá bờ, dồn thửa để tăng thêm năng suất. Về phía tỉnh Ninh thuận xem đây là mô hình thành công để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian sắp tới./.

Nguyễn Thị Cơ

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận