Xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn có diện tích đất tự nhiên 12.870 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 4.500 ha. Với địa hình bán sơn địa, xã Mỹ Sơn còn có điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển chăn nuôi các loại gia súc như: bò, dê, cừu. Hiện tổng đàn bò, dê, cừu của xã khoảng 12.080 con.

Nếu như trước đây, bà con chăn nuôi theo hình thức quảng canh hoặc bán thâm canh thì hiện tại hầu hết đã dần chuyển sang nuôi nhốt do diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp hoặc dành đất để phát triển các lĩnh vực khác (năng lượng tái tạo). Để duy trì và phát triển đàn gia súc ổn định thì trồng cỏ là giải pháp bền vững, hiệu quả mà người dân nơi đây đã và đang thực hiện.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Phú Thủy là một điển hình. Năm 2005, gia đình bà có 2 con bò cái. Hằng ngày đi làm về vợ chồng bà tranh thủ cắt cỏ ngoài bờ ruộng chỉ khoảng 30 phút đã có đủ thức ăn cho cả ngày hoặc lúc nhàn rỗi bà dắt bò đi ăn ở ngoài đồng gần nhà. Nhưng nhiều năm gần đây khi đồng cỏ ngày càng thu hẹp, cộng với việc biến đổi khí hậu làm đồng cỏ tự nhiên không thể phát triển nổi. Năm 2010, gia đình bà vay 30 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để phát triển chăn nuôi, xây dựng chuồng trại kiên cố và trồng cỏ. Đến nay, gia đình bà luôn duy trì nuôi 15 con bò sinh sản và trồng 5 sào cỏ, trong đó 2 sào được chuyển đổi từ đất ruộng.

Chuồng trại nuôi bò được bà Lan xây dựng kiên cố, có kho dự trữ thức ăn cho mùa mưa hay những lúc bận rộn

 

Gia đình anh Mã Văn Hòa ở thôn Tân Mỹ đã ứng dụng hệ thống tưới phun để tưới cho đồng cỏ voi, cỏ VA06 và các loại cây trồng khác. Anh cũng mua máy cắt cỏ, máy băm cỏ để tiết kiệm công lao động. Trên 3 ha đất gò đồi giờ phủ lên màu xanh của lá cỏ và nhiều loại rau đậu. Hiện tại gia đình anh có trên 20 con bò vỗ béo và 30 con dê sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Đồng cỏ của gia đình anh Mã Văn Hòa lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước

 

Anh Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch xã Mỹ Sơn cho biết, chăn nuôi bò là nghề truyền thống của địa phương. Trước đây bà con thường chăn thả trên các cánh đồng cỏ nhưng thời tiết những năm nay trở nên khắc nghiệt khiến các đồng cỏ không thể phát triển. Cộng với đó là việc chăn nuôi vỗ béo bò, dê, cừu theo quy mô nhỏ hộ gia đình ngày một phát triển nhằm tận dụng công nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập làm cho cỏ tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho gia súc chăn thả. Chính vì thế mà việc trồng cỏ được chính quyền các cấp khuyến khích người chăn nuôi thực hiện”.

Anh Vương cho biết thêm, mô hình trồng cỏ bắt đầu phát triển mạnh vào năm 2016, đặc biệt khi địa phương thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn để tiết kiệm nguồn nước. Không những trồng cỏ phục vụ chăn nuôi ở địa phương mà người dân nơi đây còn bán nguyên liệu cho công ty Chế biến thức ăn gia súc với giá bán 500 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 2.200 – 2.500 tạ/vụ/ha, mỗi năm các hộ cũng thu được trên 100 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ với người dân nông thôn nên chính quyền địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích lên đến 150 ha gồm cả cỏ và cây bắp./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận