Chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm của Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Xuân Tây 1, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên trong việc xây dựng mô hình trồng sen và cây đậu phộng (lạc) trên đất lúa kém hiệu quả đã bước đầu thực hiện thành công.

Ông Huỳnh Văn Bảo - Giám đốc HTX nông nghiệp Hòa Xuân Tây 1, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: Điều kiện về đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương có nhiều chân đất khác nhau như: đầm trũng, ao hồ, đất lúa 2 vụ, đất gò đồi sản xuất lúa một vụ… Do tập quán canh tác nên nông dân lâu nay chỉ quen trồng lúa nước, năng suất thấp không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất kém hiệu quả, địa phương đã nghiên cứu, chủ động xây dựng các mô hình, thực hiện thành công, được nhiều nông dân áp dụng làm theo. Đồng thời phát triển thành vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa số lượng lớn và đang xây dựng làm sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Từ chuyển đổi sang trồng cây đậu phộng…

Những năm trước đây một số nông dân cũng đã trồng cây đậu phộng, tuy nhiên do thiếu kỹ thuật canh tác, giống đậu phộng qua nhiều vụ, nhiều năm sản xuất đã bị thoái hóa, lẫn tạp, mang nhiều mầm bệnh… nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, hợp tác xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các cơ quan chuyên môn xây dựng mô hình trình diễn các giống đậu phộng, đặc biệt là giống TB25 cấp xác nhận trên các chân đất chuyển đổi cây trồng. Sự thành công của các mô hình trình diễn đã giúp cho nông dân địa phương làm quen với kỹ thuật thâm canh cây đậu phộng, biết đến nhiều giống mới cho năng suất, chất lượng cao, từ đó nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây đậu phộng. Đến nay vùng sản xuất đậu phộng của HTX đã phát triển lên quy mô 25 ha.

Theo ông Huỳnh Văn Bảo, điều khiến nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ các cây trồng quen thuộc sang trồng cây đậu phộng là đầu ra ổn định và thu nhập cao. Qua thực tế sản xuất của nông dân cho thấy nếu đậu phộng trồng vào vụ Đông Xuân sẽ cho năng suất bình quân trên 300 kg/sào; còn vụ Hè Thu năng suất thấp hơn, khoảng hơn 200kg/sào (1 sào = 500m2). Với giá thu mua từ 15.000 đến 17.000 đồng/kg đậu phộng như năm nay thì mỗi sào đậu phộng cho lãi khoảng 2,5 triệu đồng ở vụ Hè Thu và khoảng 5 triệu đồng ở vụ Đông Xuân. So với trồng lúa thì trồng đậu phộng lãi gấp 3 đến 4 lần. Ngoài ra nông dân còn tận dụng thân cây đậu phộng sau khi thu hoạch để ủ làm phân hữu cơ, làm thức ăn cho bò để giảm chi phí mua cỏ, thời gian cắt cỏ. Sản phẩm đậu phộng ngoài việc luộc bán tại chợ các địa phương lân cận, trên địa bàn xã có 3 thương lái tổ chức thu mua toàn bộ đậu phộng của các hộ để cung cấp cho thị trường.

Nông dân thu hoạch đậu phộng

Đến trồng sen để tạo sản phẩm tiêu biểu của địa phương

Cây sen “bén duyên” trên các chân ruộng ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa từ năm 2010, khi một số hộ dân đã chuyển sang trồng sen trên những diện tích ao, đầm bỏ hoang hay các khu đồng trũng trồng lúa 1 vụ bấp bênh. Sau một thời gian nhận thấy trồng sen cho thu nhập cao, nhiều hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư, phát triển diện tích.

Đến nay, toàn xã Hòa Xuân Tây có khoảng 73,98 ha sen, trong đó diện tích bầu, đầm là 13,98 ha, đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi là 59,22 ha. Bình quân mỗi sào sen cho thu hoạch khoảng 300-350kg gương tươi, với giá 10.000-15.000 đồng/kg gương tươi như hiện nay thì mỗi sào sen cho lãi khoảng 3,5-5 triệu đồng/năm, cứ 2 đến 3 ngày hái một lần, cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Theo các hộ trồng sen ở địa phương, cây sen rất dễ trồng, lại ít tốn nhiều chi phí phân, thuốc, làm cỏ như trồng các loại cây khác. Khoảng 4 tháng sau khi trồng, cây sen bắt đầu cho thu hoạch. Chi phí đầu tư trồng sen chỉ mất chi phí đầu tư cho lần xuống giống đầu tiên, còn nhiều năm sau đó chỉ chăm sóc và thu hoạch.

Trồng sen rất thích hợp cho những hộ nông dân có điều kiện kinh tế khó khăn, ít ruộng vì cây sen đầu tư thấp, lại cho thu nhập ổn định và tạo việc làm thường xuyên. Bên cạnh đó việc tiêu thụ cũng dễ dàng, hiện tại ngoài việc bán gương sen tươi, nếu có thời gian sơ chế, bóc lớp vỏ lụa có thể bán với giá 90.000 – 100.000 đồng/kg hoặc làm bột hạt sen cung cấp cho người tiêu dùng. Chính vì trồng sen có hiệu quả cao nên nhiều hộ dân đã bỏ lúa chuyển sang trồng sen, kết hợp đào ao nuôi cá, tạo thu nhập cao hơn so với việc trồng lúa trước đây. Tiềm năng diện tích ở địa phương có thể phát triển mô hình sản xuất.

Cánh đồng trồng sen tại HTX Hòa Xuân Tây 2, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên

Để thực hiện thành công các mô hình chuyển đổi cây trồng và khuyến khích nông dân áp dụng làm theo, ông Huỳnh Văn Bảo cho biết phải nghiên cứu xây dựng và áp dụng các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp thực tế sản xuất của địa phương và nhu cầu thị trường. Ngoài ra bản thân từng cán bộ HTX mạnh dạn cùng làm với bà con, nông dân địa phương thấy có hiệu quả sẽ học tập làm theo, từ đó nhân rộng ra toàn địa phương. Hướng đi sắp tới của địa phương là đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế, sản xuất tập trung các loại sản phẩm tươi, khô, tinh chế, ép dầu… sau thu hoạch từ cây sen và cây đậu phộng để nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.

Phạm Minh Nhật

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên