Theo phòng Nông nghiệp huyện Tuy An, sau khi kết thúc vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, tranh thủ nguồn nước sẵn có trong chân ruộng, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện tập trung vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương tưới tiêu và khẩn trương cày đất để kịp thời vụ Hè Thu năm 2020.

Nông dân huyện Tuy An tập trung cày ải chuẩn bị sản xuất vụ Hè Thu 

 

Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, để vào vụ sản xuất thuận lợi, bên cạnh việc tranh thủ cày ải sớm thì các cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo cho nông dân như sau:

- Về cơ cấu giống lúa, ưu tiên chọn giống lúa chịu hạn, mặn và có thời gian sinh trưởng ngắn từ 95-100 ngày; không cơ cấu các giống nhiễm rầy để gieo sạ. Sử dụng các giống chủ lực chống chịu sâu bệnh hại tốt, năng suất cao như: PY2, ML202, ML49, DV108, Đài thơm 8 và một số giống lúa đặc sản của địa phương, giống bổ sung như PY1, PY15, Q5,… Đối với những vũng bị nhiễm phèn như: An Cư, An Ninh Đông, An Hòa Hải… nên ưu tiên chọn giống lúa chịu mặn, kết hợp bón phân cân đối, hợp lý để giúp cây lúa phát triển.

- Cần gieo sạ tập trung theo khung thời vụ của địa phương, hạn chế sự ảnh hưởng của thiên tai và thiếu nước.

- Áp dụng rộng rãi chương trình “1 phải 5 giảm”, sạ hàng, sạ thưa hợp lý từ 80-100 kg/ha, giúp giảm nhẹ chi phí vật tư, giảm rủi dịch hại. Tùy vào điều kiện của địa phương nên chọn từ 2-4 giống chủ lực, cơ cấu 1 giống không quá 30% diện tích/vùng. Mỗi hợp tác xã nông nghiệp bố trí từ 5-10% diện tích để sản xuất lúa giống. Ngoài ra các HTXNN hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý.

- Thường xuyên theo dõi dự báo tình hình dịch hại, khí tượng thủy văn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả và hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất lúa, tiến tới một vụ mùa bội thu ./.

                                                                  Phan Chân Thuyên

                                                       Trạm Khuyến nông huyện Tuy An- Phú Yên