Để góp phần tiếp tục phát huy các lợi thế, chủ động phòng tránh, ứng phó với những khó khăn, bất cập trên đây, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cho người sản xuất, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tiếp nối thành công của Diễn đàn được tổ chức tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, trong 2 ngày 27 – 28/7 tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Phát triển chăn nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tham dự diễn đàn có 260 đại biểu, trong đó có 180 nông dân đến từ 7 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, Ninh Thuận và TP Đà Nẵng).

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh -  Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã nhấn mạnh: Với điều kiện địa lý phức tạp, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai như: bão, lũ, lụt, sạt lở đất, hạn hán, lốc, xâm nhập mặn... Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với ngành chăn nuôi ngày một rõ nét. Vào mùa khô, tình trạng thiếu thức ăn xảy ra phổ biến hơn, mùa mưa lũ thì vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi; lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm ngày một giảm. Thời tiết thất thường còn làm cho vật nuôi thích nghi kém dẫn đến dịch bệnh phát sinh nhiều hơn, thiệt hại nặng. Trước tình hình đó các địa phương trong vùng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi và đã có những kết quả nhất định như: Người nuôi bò chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, mô hình trang trại heo được phát triển mạnh, chăn nuôi gia cầm chuyển dần sang quy mô chăn nuôi trang trại ứng dụng biện pháp sinh học…

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Cũng trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn, các đại biểu đã đến tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất thức ăn gia súc dạng viên nén của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Sơn Hà tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông Hoàng Đại Tuấn – Chủ nhiệm Dự án KHCNDL cấp Nhà nước chia sẻ: “Nguyên liệu đầu vào để chế biến thức từ bã mía lên men, sau khi ép lấy đường, bã mía còn lượng nhỏ đường (khoảng 2,5% trong bã), có lượng cellulose, hemicellulose và ligin cao. Các thành phần này chứa nguồn năng lượng dự trữ lớn. Bã mía sau đó được ủ yếm khí cơ chất ở nhiệt độ 30 – 40oC, độ ẩm nguyên liệu khoảng 65%, thời gian ủ từ 6-8 tháng. Quá trình này phá hủy cấu trúc xơ sợi của cellulose, hemicellulose,… và làm tăng hàm lượng protein trong sản phẩm cung cấp axit amin và dưỡng chất nuôi nước, nuôi tảo, phù du, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cung cấp vi sinh vật có lợi xử lý độc tố tầng nước hiếu khí…”.

Ông Hoàng Đại Tuấn chia sẻ về mô hình sản xuất thức ăn gia súc dạng viên nén

Tại diễn đàn, các cơ quan chức năng đã chia sẻ nhiều nội dung xoay quanh 4 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi chủ động, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu gồm: Quy hoạch vùng nuôi và định hướng phát triển; Khoa học kỹ thuật và khuyến nông; Tổ chức liên kết sản xuất; Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã tiếp nhận và giải đáp trên 60 nhóm câu hỏi của nông dân xung quanh những vấn đề: Cây trồng làm thức ăn cho vật nuôi; Phương pháp xử lý và bảo quản thức ăn lâu dài cho mùa mưa; Giống vật nuôi cho năng suất cao, ổn định đầu ra và thích ứng với biến đổi khí hậu; Các biện pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ để ứng phó với biến đổi khí hậu; Tác dụng của đệm lót sinh học trong chăn nuôi nhằm tăng trưởng và ngăn ngừa dịch bệnh cho vật nuôi; Những giải pháp hỗ trợ cho người chăn nuôi có hiệu quả trong điều kiện giá cả bấp bênh và thị trường đầu ra bị ép giá.

Đại biểu nông dân trao đổi trực tiếp tại Diễn đàn 

Theo TS. Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển chăn nuôi bền vững, các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cần có các giải pháp như sau:

Một là, Quy hoạch vùng chăn nuôi và định hướng phát triển. Quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc nhai lại gắn với trồng cây thức ăn thô xanh, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi, tận dụng nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Từng tỉnh rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển chăn nuôi, lựa chọn đối tượng vật nuôi phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát huy lợi thế từng vùng; xác định cơ cấu vật nuôi phù hợp, trước hết, tập trung cho các sản phẩm có lợi thế: bò thịt, bò sữa, trâu...

Hai là, Giải pháp về chính sách. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành như: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN ngày 09/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ba là, Nhóm giải pháp về kỹ thuật: (i) Giải pháp về giống: Tăng cường lợi thế vùng, địa phương cần có hướng dẫn xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số giống bản địa có lợi thế vùng. Giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống phù hợp và có hiệu quả cho các vùng hạn hán và xâm nhập mặn, trồng và chế biến thức ăn, xử lý chất thải… (ii) Giải pháp về thức ăn: Trồng cỏ và cây thức ăn thô xanh chịu được hạn hán, chủ động chọn tạo, nhân thuần, nhập nội một số giống cỏ có khả năng chịu hạn để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc nhai lại. Trước mắt tập trung vào một số giống cỏ có khả năng chịu hạn như VA06, Mulano II, Ghine Monbasa, Ruzi, Stylo, Guatemala... Nhập khẩu một số giống cỏ chịu mặn tốt từ Úc về Việt Nam để khảo nghiệm như Tall Wheat Grass, Puccinellia, Mediterranean Saltbush… (iii) Giải pháp về chuồng trại: Thường xuyên kiểm tra, gia cố chuồng trại, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Sau mỗi đợt thiên tai (lũ lụt, ngập úng) phải thực hiện tiêu độc, khử trùng xong bà con mới nên tái đàn, đặc biệt là chăn nuôi lợn, gia cầm. (iv) Đào tạo nâng cao nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác chăn nuôi, thú y, dẫn tinh viên TTNT trâu, bò; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ, cơ sở chăn nuôi.

Bốn là, Tổ chức liên kết sản xuất, trọng tâm là xây dựng mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, thức ăn, thú y,…) và doanh nghiệp đầu ra (chế biến, tiêu thụ sản phẩm) trong và ngoài vùng chăn nuôi.

Cùng với 4 nhóm giải pháp trên, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cần tăng cường hơn nữa hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn để giúp người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi sản xuất nâng cao hiệu quả, ổn định giá cả, góp phần giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến nông địa phương cần khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện 3 không, 3 có trong chăn nuôi (3 không: không thả rông, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không giấu dịch; 3 có: Có chuồng trại, có xử lý chất thải trong chăn nuôi; có tiêm phòng cho gia súc); Hướng dẫn nông dân về phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm sau mỗi đợt thiên tai, lũ lụt, các phương pháp bảo quản, chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại.

Dương Bích

Xem clip về Diễn đàn tại đây