Bên cạnh đó, huyện cũng đã ưu tiên đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới. Nhiều mô hình bước đầu khẳng định được tính thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương và tính hiệu quả, được người dân đánh giá cao.

Vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy có diện tích 45.470 ha với 15 xã, thị trấn. Trước đây, đời sống của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn do giao thông đi lại vất vả, phương thức sản xuất còn lạc hậu, nên hiệu quả sản xuất kinh tế chưa cao. Để phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện Lệ Thủy đã tập trung lãnh đạo nhân dân từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm hàng hóa, cải thiện đời sống cho người dân. Đến nay, vùng gò đồi huyện Lệ Thủy có hàng trăm trang trại tổng hợp, trang trại lâm nghiệp.

Tại vùng gò đồi xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, bà con đã trồng được hàng trăm ha rừng, cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, một số diện tích rừng trồng kém hiệu quả đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng rừng sang trồng cam Vũ Quang, hơn 6,2 ha sang trồng dứa thương phẩm tại thôn Tân Truyền. Trong số 6,2 ha dứa, các tổ chức đoàn thể trồng 2 ha và cá nhân trồng 4,2 ha. Qua một thời gian chăm sóc, cây dứa đã cho thấy sự thích nghi với vùng đất gò đồi, cây phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, cho quả to. Hiện vùng dứa của thôn Tân Truyền đang cho thu hoạch, trung bình mỗi ha dứa thương phẩm cho thu nhập 125 triệu đồng, lãi ròng đạt 65 triệu đồng/ha.

Cây dứa thích nghi với vùng gò đồi huyện Lệ Thủy và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây

Bà Trần Thị Thủy, ở thôn Tân Truyền phấn khởi cho biết: “So với các cây trồng khác thì cây dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Loại cây này đầu tư vốn và công chăm sóc ít”. Nếu như trước đây, trên diện tích đất 1 ha, bà Thủy trồng rừng mất 5 năm cũng chỉ thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng từ khi chuyển qua trồng dứa, trong vòng hơn 1 năm, bà đã thu lãi 65 triệu đồng.

Trường Thủy là xã đặc trưng của vùng gò đồi huyện Lệ Thủy với những “cao nguyên” đất đỏ màu mỡ. Tận dụng lợi thế đó, lãnh đạo xã đã tập trung chỉ đạo bà con đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nhất là trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết: “Những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân tận dụng lợi thế vùng gò đồi để phát triển kinh tế. Từ việc trồng rừng và các dịch vụ “ăn theo" rừng đã giải quyết việc làm cho khoảng 70% lao động tại địa phương. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập cao”. Hiện xã đang có 7,5 ha diện tích đất trồng ngô; 26 ha lạc; 23 ha hồ tiêu; trên 270 ha đất trồng cao su; diện tích trầm hương, tre và các loại khác có 15 ha; diện tích thông nhựa đạt 257,5 ha. Trên địa bàn toàn xã quản lý và bảo vệ 1.068 ha rừng trồng. Về chăn nuôi, bà con trong xã đã tập trung nuôi bò, gia cầm và ong lấy mật. Đến nay, toàn xã có trên 350 con bò, 35.000 con gia cầm, 370 đàn ong lấy mật. Phát triển kinh tế gò đồi đã giúp xã Trường Thủy sớm cán đích nông thôn mới trước một năm; đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân đã có những bước phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã đạt từ 7- 9%. Tổng thu nhập xã hội đạt gần 67 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 3,8%.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: "Để phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, thử nghiệm các loại giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, Lệ Thủy định hướng cho các địa phương áp dụng trồng cây công nghiệp lâu năm, như: cao su, hồ tiêu; các loại cây ăn quả, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi theo hướng hình thành trang trại, gia trại tập trung…

Võ Đại Chung

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình