Gia đình anh Nguyễn Văn Ngọ ở thôn Hương Thi, xã Trường Thủy chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng ổi từ năm 2018. Với diện tích hơn 1 ha, anh trồng hơn 600 gốc ổi, chủ yếu là giống ổi lai lê Đài Loan đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Anh Ngọ chia sẻ, giống ổi lai lê Đài Loan dễ trồng, tốn ít phân bón, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai vùng đồi dốc của địa phương lại cho năng suất cao, sản phẩm tiêu thụ khá nhanh, lợi nhuận kinh tế đem lại cao. Để cây ổi ra hoa đậu quả quanh năm, chất lượng quả thơm, giòn và ngọt phải thường xuyên tỉa cành, bấm ngọn tạo chồi mới cho ổi ra hoa. Cây cho thu hoạch quanh năm và có thể trồng bất cứ thời gian nào. Mỗi giống ổi đều có vị ngon khác nhau, nhưng ổi lai lê Đài Loan đang được khách hàng ưa chuộng nhất với đặc tính quả to, bình quân từ 3 - 4 quả/kg, ổi chín ăn giòn, ngọt thanh…

Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã Trường Thủy có khoảng 10 ha trồng ổi với các giống chủ yếu là ổi lai lê Đài Loan, ổi Nữ hoàng. Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng loại cây mới nên mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương…

Trồng ổi giúp người dân ở Lệ Thủy ổn định cuộc sống

 

Những năm qua, phong trào chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nhất là cây ổi ở huyện Lệ Thủy đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian đầu, quy mô còn nhỏ lẻ, ổi được trồng chủ yếu trong vườn nhà, sau thấy cây ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích trồng ổi ngày càng được mở rộng. Hiện nay, cùng với xã Trường Thủy, cây ổi đã có mặt trên hầu hết các xã gò đồi, miền núi của huyện Lệ Thủy, như: Mai Thủy, Phú Thủy, Sơn Thủy, Hoa Thủy, Kim Thủy, Thái Thủy, Mỹ Thủy và thị trấn nông trường Lệ Ninh… Ngoài ra, ở một số xã vùng trung du, đồng bằng của huyện Lệ Thủy, như: Liên Thủy, Xuân Thủy, Cam Thủy… người dân  đã tận dụng những vùng đất vườn cao, khô hạn, khó lấy nước… để trồng ổi.

Theo đánh giá của Phòng NN & PTNT huyện Lệ Thủy, giống ổi được trồng trên địa bàn huyện đa phần là ổi lê Đài Loan và ổi Nữ Hoàng, năng suất bình quân đạt từ 17 - 20 tấn/ha/ năm. Các loại giống ổi này đều rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai của địa phương, nhất là trên vùng đất đồi dốc, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên chất lượng luôn bảo đảm.

Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá thích hợp với cây ổi, những năm gần đây, loại cây này đã được trồng với diện tích lớn tại nhiều xã trên địa bàn huyện, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện. Thời gian tới, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi, huyện sẽ hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/ha đối với những cơ sở ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp đến, là sẽ đề ra cơ chế, chính sách để khuyến khích xây dựng sản phẩm ổi đạt chuẩn OCOP…

Theo nhiều người dân trồng ổi, đây là loại cây trồng nhanh cho thu hoạch, sau trồng 1 năm bắt đầu cho quả bói, sau đó khoảng 6 tháng nữa cho thu hoạch vụ ổi thứ hai, giá bán tương đối ổn định so với các loại cây ăn quả khác. Với giábán mỗi kg từ 20.000 - 25.000 đồng, bình quân mỗi vụ thu hoạch, người dân thu lãi từ 60 - 100 triệu đồng/ha, cao gấp 8 - 10 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, việc trồng ổi đòi hỏi phải cần mẫn, tốn khá nhiều công sức, muốn ổi đạt chất lượng cao, phải thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để rễ cây ổi phát triển. Đồng thời, cần cắt đi những cành lá dưới gốc để tạo thông thoáng, khi bắt đầu kết trái phải dùng bao ni-lông để bọc từng quả một nhằm tránh sự phá hoại của các loại côn trùng, các loại sâu bệnh hoặc nấm… để quả ổi đảm bảo chất lượng và có  màu sắc đẹp hơn.

Thực tế cho thấy, mô hình trồng ổi trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, bước đầu khẳng định hướng đi đúng trong tái cơ cấu và phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Nguyễn Trung Hiểu

Đài TT – TH Lệ Thủy, Quảng Bình