Tỉnh Quảng Bình xác định chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp vì vậy nhiệm vụ tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu của Cục Thống kê đến ngày 01/4/2018, toàn tỉnh có khoảng 36.250 con trâu bằng 110% so với năm 2013; có khoảng 105.330 con bò, bằng 121% so với 2013; khoảng 312.450 con lợn, bằng 88% so với năm 2013; gần 3.470.000 con gia cầm, bằng 135% so với năm 2013; tỷ trọng chăn nuôi đạt 48,03% giá trị nông nghiệp. Mặc dù trong năm 2017 giá thị trường thịt lợn hơi xuất chuồng trên cả nước liên tục giảm, làm cho sản xuất chăn nuôi lợn không có lãi, người dân phải giảm quy mô đầu đàn chăn nuôi song tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại của tỉnh trong năm 2017 khoảng 71.500 tấn, tăng 20,4% so với năm 2013.

Bốn năm qua, với quy mô chăn nuôi ngày càng phát triển, đã có nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi mạnh dạn liên kết đầu tư nuôi số lượng lớn từ 150-250 lợn nái ngoại sinh sản, trên 1.000 lợn thịt, hay có những trang trại nuôi từ 300-6000 bò vỗ béo. Một số dự án chăn nuôi đi vào hoạt động như chăn nuôi bò công nghệ cao của Tập đoàn Hoà Phát, chăn nuôi bò kết hợp trồng rừng của công ty TNHH QB Milk, trại chăn nuôi lợn siêu nạc của Công ty Thái Lan… Bên cạnh đó nhiều vật nuôi có giá trị cao như lợn rừng, dê, thỏ, hươu, nhím, vịt trời… được đưa vào nuôi với quy mô lớn.

Chất lượng đàn bò được nâng cao rõ rệt về số lượng lẫn số lượng

Để phát huy lợi thế chăn nuôi của từng địa phương, ngành Nông nghiệp đã xác định phân vùng chăn nuôi cho các giống vật nuôi chủ lực của tỉnh như vùng phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, vùng chăn nuôi trâu, bò và các loại vật nuôi đặc sản có giá trị cao gắn với giết mổ và tiêu thụ. Tùy thuộc đặc điểm và lợi thế của từng vùng, từng địa phương để khai thác tối đa tiềm năng phát triển của từng loại vật nuôi, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và thích ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò, lợn ngoại, gia cầm thả vườn; từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang gia trại, trang trại, đặc biệt ở vùng đồi, vùng cát; phát triển chăn nuôi nông hộ ở vùng nông thôn có mật độ dân cư thưa để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Hàng năm, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để khuyến khích phát triển chăn nuôi như: hỗ trợ cho công tác thụ tinh nhân tạo bò, phát triển đồng cỏ chăn nuôi bò, chăn nuôi gà thả vườn chất lượng cao, phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, hỗ trợ nuôi giữ giống gốc bò, lợn; công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Từ năm 2014 -2018, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi. Ngoài ra, các huyện, thành phố, thị xã cũng có chính sách hỗ trợ riêng.

Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi cũng được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm. Hiện toàn tỉnh có trên 2.000 – 2.500 ha diện tích trồng thức ăn chăn nuôi. Một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa, các loại cây rau màu hiệu quả thấp sang trồng cỏ, trồng ngô nuôi bò bước đầu bước đầu có hiệu quả, nhằm chủ động nguồn thức ăn.

Chính vì thế, trong 4 năm qua, chăn nuôi toàn tỉnh không những phát triển về số lượng mà chất lượng cũng ngày càng nâng cao nhất là công tác cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo góp phần làm tăng tỷ lệ bò lai đạt trên 45% năm 2018, đến nay đã được xã hội hoá. Đồng thời, chú trọng phát triển chăn nuôi gia cầm nhất là chăn nuôi gà thả vườn theo trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh; ổn định đàn lợn về số lượng, tập trung phát triển đàn lợn ngoại có tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt tốt, dễ tiêu thụ.

Các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăn nuôi mới cũng đã được Sở Nông nghiệp và PTNT đưa vào sản xuất, như các giống bò thịt năng suất, chất lượng cao (Brahman trắng, Droughtmaster...); giống gà thả vườn chất lượng cao (Lượng Huệ, Ri vàng rơm, Jdabaco,…); giống lợn ngoại Pietran, Duroc, Pidu và không ngừng được tăng lên trong cơ cấu tổng đàn. Nhiều quy trình chăn nuôi tiên tiến đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển chăn nuôi như sử dụng công nghệ cho lợn sinh sản đồng loạt, sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng chuồng trại khép kín điều chỉnh được nhiệt độ, ẩm độ phù hợp với đặc điểm sinh lý của gia súc, gia cầm... đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, chăn nuôi trang trại giai đoạn 2014- 2016 đã phát triển khá nhanh cả về số lượng, quy mô, chất lượng và giá trị sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chất lượng, giá trị, sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, làm giàu cho người dân và bảo vệ môi trường. Chăn nuôi trang trại đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, được khẳng định là mô hình sản xuất hàng hóa tập trung và hiệu quả. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng lên qua từng năm, từ 107 trang trại năm 2014 tăng lên 204 trang trại năm 2017, tiếp tục duy trì và phát triển trong năm 2018.

Theo ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Để chăn nuôi tỉnh Quảng Bình phát triển bền vững, có giá trị kinh tế cao, hiệu quả, đủ lực để cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52% trong giá trị sản xuất nông nghiệp thì cần đến sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các loại vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch; tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: sử dụng chất cấm, thức ăn, thuốc thú y không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch chăn nuôi phù hợp điều kiện, lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các hình thức sản xuất tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuổi giá trị. Quy hoạch chăn nuôi gắn với quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ và gắn với xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm…

Thuỳ Trang