"Chợ di động" trên biển…

Được ví như "chợ di động" trên biển, con tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá công suất 1.032CV có số hiệu QB 98122TS của ngư dân Hoàng Văn Tâm (SN 1990) ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) từ hai năm qua đã trở nên quen thuộc đối với nhiều tàu cá khai thác xa bờ vùng biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng. Anh Hoàng Văn Tâm cho biết, thông thường, khi vào mùa đánh bắt rộ, tàu của anh đi biển thu mua từ 5-6 chuyến/tháng, còn bình thường thì đi khoảng 2-3 chuyến/tháng, mỗi chuyến đi khoảng 2-3 ngày; sản lượng thu mua từ 40-50 tấn/chuyến, chủ yếu các loại cá nục, trích, mực… Sản phẩm thu mua được, anh liên kết với Công ty TNHH TMTH Phước Sang có trụ sở tại xã Đức Trạch (Bố Trạch) để bao tiêu nên không lo bị ép giá. Theo tính toán của anh Tâm, trừ hết chi phí, trung bình tàu cá của anh có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/tháng từ hoạt động thu mua hải sản trên biển.

Ngư dân Hoàng Văn Thìn ở xã Quảng Văn, chủ tàu cá QB 98110TS có công suất 800CV làm nghề vây khơi chia sẻ: Trước đây, khi chưa có các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, hoặc là mỗi chuyến biển ngư dân sẽ đi trong khoảng 10 ngày rồi về cảng tiêu thụ hải sản, sau đó mới ra biển khai thác tiếp, nên vừa tốn tiền dầu vừa mất thời gian đi lại trên biển; hoặc nếu đánh bắt thời gian dài từ 15-20 ngày, thì khi về cảng, các loại hải sản lại khó bán được giá cao do không đảm bảo độ tươi ngon. Bây giờ có tàu dịch vụ thu mua hải sản ngay trên biển, ngư dân đã yên tâm bám biển thời gian dài mà tôm, cá vẫn đảm bảo chất lượng, bán được giá, nhờ đó, hiệu quả kinh tế của chuyến biển đạt khá. 

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, tỉnh Quảng Bình hiện có 28 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, chủ yếu hoạt động thu mua cá, tôm, mực và cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm... cho các tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó, nổi bật có tàu vỏ thép Long Khánh của Công ty TNHH Hồng Công (TP. Đồng Hới) hạ thủy vào tháng 4-2016, với ưu điểm là có trang thiết bị hiện đại, có hầm bảo ôn nên bảo quản được thủy sản tươi lâu, chất lượng đảm bảo và có thể hoạt động thu mua cả tháng trên biển; Đội tàu 10 chiếc làm nghề dịch vụ thu mua trên biển của thôn Văn Phú, xã Quảng Văn lần lượt hạ thủy và hoạt động từ năm 2015 đến nay đã hỗ trợ cho bà con ngư dân khai thác, đánh bắt tại các vùng biển xa; Tàu dịch vụ hậu cần công suất 1.000CV của anh Nguyễn Thế Lưu ở xã Cảnh Dương hạ thủy vào tháng 6-2017 có chức năng thu mua thủy sản và cung cấp các loại nhu yếu phẩm, đá lạnh trên biển cho tàu cá xa bờ…

Có thể nói, tàu hậu cần nghề cá như "chợ di động" trên biển chuyên cung ứng dầu máy, nhu yếu phẩm kịp thời cho tàu cá đánh bắt dài ngày; đồng thời rút ngắn thời gian trở về đất liền bán hải sản và tiếp nhiên liệu của ngư dân, nên hiệu quả kinh tế cao hơn, chất lượng sản phẩm khai thác được bảo quản tốt tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến. Cùng với đó, nhờ mối liên kết chặt chẽ nên đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, giảm bớt các rủi ro trong hoạt động sản xuất trên biển.

Hạ tầng, bến bãi của các cảng cá đã phần nào đáp ứng được nhu cầu cập cảng của các tàu cá xa bờ và tàu dịch vụ thu mua

Hỗ trợ mở rộng dịch vụ

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển đã mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, góp phần phát triển đa dạng ngành nghề cho các địa phương vùng ven biển. Với tính “lưỡng tiện”, có thể khẳng định mở rộng và phát triển dịch vụ hậu cần trên biển là yếu tố cần thiết để nâng cao về “chất” của hoạt động nghề cá trong giai đoạn mới. Do đó, hỗ trợ đầu tư cho dịch vụ hậu cần trên biển sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thời gian đánh bắt, qua đó góp phần thiết thực vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thời gian qua, bên cạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với tàu khai thác, tỉnh Quảng Bình còn tích cực hỗ trợ đối với tàu thu mua thủy sản. Trong đó, hỗ trợ đóng mới 5 tàu làm dịch vụ thu mua theo Nghị định 67; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu thu mua thủy sản cho 3 tàu (huyện Bố trạch 1 tàu, TX Ba Đồn 2 tàu) với 23 chuyến biển, kinh phí hỗ trợ 1,1 tỷ đồng với mức 40 triệu đồng/chuyến biển cho tàu từ 400-800cv, 60 triệu đồng/chuyến biển cho tàu từ 800CV trở lên, hỗ trợ tối đa 10 chuyến biển/tàu/năm.

Cùng với đó, dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ cũng góp phần "tiếp sức" cho ngư dân. Theo ông Nguyễn Trung Sơn, Phó giám đốc BQL Cảng cá tỉnh Quảng Bình, những năm qua, hạ tầng bến bãi của các cảng cá trên địa bàn tỉnh đã được nâng cấp, phần nào đáp ứng được nhu cầu cập cảng mua bán sản thuỷ hải sản cho tàu cá của ngư dân và các tàu dịch vụ hậu cần. Ngoài tàu đánh bắt của ngư dân, mỗi tháng có khoảng 15 lượt tàu thu mua cập bến tại cảng cá sông Gianh, cao điểm vào tháng 8, 9 có đến 30-40 lượt tàu thu mua vào cảng; sản lượng mỗi tàu khoảng 30-50 tấn, chủ yếu các loại cá nục, cá trích, cá thu, cá ngừ, mực... Phần lớn tàu hậu cần vào cảng đều có công suất từ 200-400cv, những tháng cao điểm mùa cá còn có cả tàu từ 800-1.000cv cập cảng bán sản phẩm.

Để tiếp tục phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng nhu cầu thực tế, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là các khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình liên kết giữa các tàu, nhóm tàu khai thác hải sản kết hợp với tàu dịch vụ hậu cần trên biển nhằm "tiếp sức" cho ngư dân trong hoạt động sản xuất cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá và củng cố các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, sản xuất ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác trên tàu cá... theo hướng hiện đại và đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển.

Ngọc Lan

Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình