Dẫn chúng tôi đi thăm một phân khu trồng sâm Bố Chính với diện tích khoảng 4ha tại Thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch), ông Lê Đức Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm (Công ty Tuệ Lâm) cho biết: Công ty Tuệ Lâm bắt đầu trồng thử nghiệm sâm Bố Chính từ đầu năm 2018. Đây là loại cây thân thảo, có khả năng chịu hạn tốt nhưng lại kém chịu mưa nên thích hợp với vùng đất thịt pha cát trên vùng đồi Bố Trạch. Sau một năm trồng thử nghiệm thành công, năm 2019, Công ty Tuệ Lâm đã liên kết với nông dân trong vùng trồng được 34 ha; trong đó, thị trấn Nông trường Việt Trung 7 ha, xã Đại Trạch 7 ha, xã Nam Trạch 11 ha, xã Lý Trạch 6 ha, huyện Lệ Thủy 3 ha. Cây sâm Bố Chính có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ sau một năm chăm sóc đã cho thu hoạch và sử dụng được toàn bộ cây gồm thân, lá, củ, hoa… nên hứa hẹn sẽ là cây dược liệu chủ lực trên vùng gò đồi Quảng Bình.

Phát triển cây sâm Bố Chính đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế trên vùng gò đồi

Còn với nông dân Lê Minh Toản ở thôn 2 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch (Bố Trạch), việc chuyển đổi toàn bộ diện tích 5 ha trước đây chỉ trồng keo, tràm, thông… sang trồng cây sa chi là hướng đi táo bạo nhưng khá hiệu quả. Anh Lê Minh Toản cho biết: Mô hình trồng cây sa chi của anh được Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại Phú Mỹ Nhân (Công ty Phú Mỹ Nhân) hỗ trợ hoàn toàn về giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu đầu ra trong 20 năm. Quá trình thực hiện mô hình cho thấy, cây sa chi dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều; sau 7-8 tháng trồng đã có thể thu hoạch quả; chu kỳ khai thác khoảng 20 năm. Anh Toản cũng dự tính, trong năm thứ nhất, cây sa chi cho năng suất từ 1-1,3 tấn/ha quả khô và đạt trên 3 tấn từ năm thứ ba trở đi; lợi nhuận trung bình mỗi năm có thể đạt từ 150-200 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng cây keo, tràm như trước đây.

Hiện tại, mô hình trồng cây sa chi đang được Công ty Phú Mỹ Nhân liên kết với các hộ nông dân ở vùng gò đồi các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy… trồng được khoảng 15 ha (với 22.000 cây giống), để sản xuất nguyên liệu cho ngành dược, mỹ phẩm và thực phẩm. Cam kết của Công ty là hỗ trợ toàn bộ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm hết chu kỳ khai thác của cây sa chi. Ngoài ra, Công ty Phú Mỹ Nhân còn hướng dẫn bà con trồng xen một số loại cây trồng bản địa như dổi, huê hoặc cây hương bài… để tạo vườn rừng đa tầng tán nhằm phát triển bền vững, ổn định và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Mô hình trồng cây sa chi của anh Lê Minh Toản ở Phúc Trạch (Bố Trạch) bước đầu sinh trưởng, phát triển tốt

Một loại cây trồng mới được đưa vào trồng thử nghiệm từ đầu năm 2019 cũng đang sinh trưởng, phát triển tốt và bước đầu đánh giá khá thích ứng với vùng gò đồi là cây Jatropha. Mô hình được triển khai thực hiện tại Thị trấn Nông trường Việt Trung với quy mô 3 ha theo hợp đồng ký kết giữa Công ty TNHH Star (Nhật Bản) với Công ty Cao su Việt Trung. Việc khảo nghiệm nhằm theo dõi khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất cũng như hiệu quả kinh tế và tính thích ứng trong điều kiện tự nhiên của tỉnh. Theo ông Dương Chí Bình, Phó Giám đốc Công ty Cao su Việt Trung, cây Jatropha thuộc họ thầu dầu, là loài cây bụi, thân gỗ nhỏ, chịu khô hạn tốt và ít ảnh hưởng bão do chiều cao cây chỉ khoảng 1,6 mét. Sau khi trồng 9 tháng, cây Jatropha bắt đầu cho khai thác, năng suất ổn định từ năm thứ 3 trở đi và chu kỳ khai thác kéo dài 20 năm. Nếu việc trồng khảo nghiệm cây Jatropha thành công sẽ mở ra cơ hội đa dạng hóa cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chủ trương của ngành nông nghiệp là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi theo hướng đa cây; trong đó tập trung phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và thích ứng được với biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện khô hạn và bão. Để có hướng phát triển bền vững, hiện tại ngành nông nghiệp đang đưa vào trồng thử nghiệm một số cây trồng mới như sâm Bố Chính, sa chi, cà gai leo, Jatropha… Quá trình triển khai cho thấy, các loại cây trồng mới này đều sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, nhất là trên vùng gò đồi. Tuy nhiên, cần phải đánh giá được hiệu quả kinh tế, làm thế nào để người nông dân phải thực sự có thu nhập cao trên một đơn vị diện tích từ cây trồng này. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng yếu tố thích ứng với biến đối khí hậu, đặc biệt là chống chịu được gió, bão và hạn hán. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp mới khuyến cáo để phát triển, nhân rộng ra đại trà nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho người sản xuất.

Theo đánh giá, vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình rất tiềm năng, và để khơi mở tiềm năng này, nhất thiết phải có định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp. Hiện tại, việc phát triển các loại cây dược liệu được xem là hướng đi mới mang lại hiệu quả cho người nông dân, khi mỗi héc ta có thể đem lại thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều các loại cây trồng khác. Đối với các loại cây trồng mới đang được đưa vào trồng thử nghiệm, theo đánh giá của bà con, điều khiến họ yên tâm là ngoài sự thích ứng và sinh trưởng, phát triển tốt thì đã có sự liên kết với các công ty lớn để bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đây cũng là mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình trong việc tạo ra sản phẩm cây trồng chủ lực và mở ra hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả, góp phần đem lại giá trị kinh tế, môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho bà con nông dân vùng gò đồi…

                                                                                      Ngọc Lan

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình