Trong điều kiện hiện nay, sản xuất nông nghiệp phải lấy giá trị và hiệu quả kinh tế làm mục tiêu phấn đấu. Đồng thời phải gắn với mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn là cần thiết. Do vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích ở những chân ruộng không chủ động nước tưới đã trở thành nhu cầu cấp bách ở các xã vùng trung du của huyện Quế Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Sắn là một trong những loại cây trồng được dùng để trồng thay cây lúa trên những chân đất lúa kém hiệu quả, phụ thuộc vào nước trời. Sắn thuộc cây lấy củ được trồng phổ biến ở huyện Quế Sơn và tập trung nhiều nhất là các xã vùng trung du của huyện, với diện tích sắn năm 2015 là 2.559 ha trong đó 1.242 ha trồng sắn là hoàn toàn không chủ động nước tưới, chủ yếu là nước trời. Gặp thời kỳ nắng hạn thì diện tích này bị bỏ hoang do không thể trồng được bất cứ loại cây nào.

Xuất phát từ thực trạng trên của nền nông nghiệp tại huyện Quế Sơn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN - KN) Quảng Nam đã hỗ trợ cho Trạm Khuyến nông - Khuyến Lâm huyện Quế Sơn tổng kinh phí hơn 88 triệu đồng, bao gồm: đầu tư cho 16 ha diện tích với 192.000 hom sắn, 30% kinh phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, triển khai thực hiện mô hình trình diễn “Trồng sắn thâm canh bền vững trên chân đất lúa nước trời”…

Mô hình trình diễn “Trồng sắn thâm canh bền vững trên chân đất lúa nước trời”…

Ngày 17/9/2015 Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Quế Sơn cùng với Trung tâm KN - KN Quảng Nam phối hợp với UBND xã Phú Thọ tổ chức hội thảo đầu bờ “Kết quả trồng sắn thâm canh bền vững trên chân đất lúa nước trời”.

Đại diện cho 81 hộ tham gia mô hình trình diễn (tại thôn 1, xã Phú Thọ), ông Hùng cho biết: “Giống sắn sử dụng trong mô hình là KM94, diện tích đất canh tác ở đây vài năm trở lại đây do nắng hạn nên hầu như bị bỏ hoang. Khi tham gia mô hình này, tôi và bà con ở đây vô cùng phấn khởi vì không những được hỗ trợ về chi phí sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) mà còn được hướng dẫn hết sức kỹ càng về kỹ thuật trồng sắn thâm canh bền vững. Vụ năm ngoái bà con ở đây đã trồng thử cây mè nhưng bị mất trắng do nắng hạn gây gắt, năm nay được mùa sắn bà con ai cũng háo hức và sẽ tiếp tục đầu tư trồng sắn trong những vụ tiếp theo dù cho nhà nước không còn đầu tư, tại đây có nhà máy sắn nên người dân chúng tôi cũng phần nào yên tâm cho đầu ra sản phẩm”.

Ông Hồ Đắc Tuyên - Trưởng phòng tổng hợp Công ty cổ phần tinh bột sắn Quảng Nam cho hay điểm thuận lợi của huyện Quế Sơn là công ty hoạt động trên địa bàn huyện, công suất hoạt động của nhà máy 600 tấn/ngày, công ty luôn không đủ nguồn nguyên liệu đáp ứng sản xuất nên phải nhập nguyên liệu từ những vùng khác đến. Việc quy hoạch, liên kết những vùng sản xuất sắn tập trung sẽ là một trong những lợi thế của địa bàn huyện Quế Sơn trong việc phát triển cây sắn làm nguyên liệu tạo chuỗi giá trị trong  sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất cho bà con nông dân.

Còn ông Đặng Phước Dũng - Phó phòng kỹ thuật Trung tâm KN - KN tỉnh thì cho biết cây sắn là cây trồng phù hợp với vùng đất này ở Quế Sơn trong chuyển đổi từ trồng cây lúa kém hiệu quả, chủ yếu dựa vào nước trời. Việc tập trung quy hoạch tạo thành vùng nguyên liệu kèm theo đó là việc liên kết giữa Doanh nghiệp và người dân thông qua cầu nối là UBND xã Phú Thọ thành lập hợp tác xã để đảm nhiệm vai trò cung cầu nguyên liệu sắn cho cả 2 bên. Thông qua đó ổn định giá cả, không bị thương lái ép giá hoặc được mùa mà mất giá, trường hợp xấu nhất là không có thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Quốc Hứa - Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Quế Sơn nhận định, tại huyện Quế Sơn có tới 2 công ty chế biến tinh bột sắn là một trong những lợi thế cho bà con nông dân trồng sắn, thực hiện việc liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp là việc cần thiết và có thể thực hiện thành công tại đây.

Nguyễn Ngọc Hoàng Sương

Trung tâm KN-KN Quảng Nam