Trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp gây mưa lạnh trong vụ sản xuất đông xuân, nắng nóng kéo dài gây hạn hán cục bộ trong vụ sản xuất hè thu, đã làm năng suất lúa toàn tỉnh giảm từ 30 – 40%, khoảng 350 ha đất trồng lúa bị bỏ hoang hoặc chuyển đổi trồng các loại cây trồng cạn khác, sản lượng lúa bị thiệt hại gần 14.000 tấn.

Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt chú trọng công tác chuyển đổi vùng sản xuất lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả sang trồng các giống cây trồng cạn như lạc, ngô, mè đen, rau màucác loại…

Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới vụ hè sang cây trồng cạn của tỉnh, ngay trong vụ hè thu năm 2016, huyện Mộ Đức đã chuyển đổi được trên 212 ha ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Những địa phương có phong trào chuyển đổi mạnh và sản xuất có hiệu quả như: xã Đức Phú 119 ha, Đức Tân 16 ha, Đức Nhuận 14 ha, thị trấn Mộ Đức 31 ha. Theo bà con nông dân giá trị kinh tế của sản xuất cây trồng cạn trên diện tích chuyển đổi tăng hơn so với sản xuất lúa từ 20 – 25%, đặc biệt có những cây trồng như lạc, rau màu giá trị tăng gấp 3 đến 4 lần so với sản xuất lúa. Phát huy hiệu quả đã đạt được, đồng thời nhằm giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trong chuyển đổi cây trồng cạn, huyện Mộ Đức đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi và Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án ứng dụng các giải pháp kỹ thuật thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại xã Đức Phú, huyện Mộ Đức trên quy mô diện tích 80 ha/vụ, trong đó: 50 ha cây lạc, 15 ha cây ngô và 15 ha cây mè đen. Kết quả cây lạc cho năng suất 30 tạ/ha, cây ngô cho năng suất 65 tạ/ha, cây mè đen cho năng suất 10 tạ/ha. Dự án đã đào tạo 15 nông dân sản xuất giỏi xã Đức Phú trở thành kỹ thuật viên cơ sở, đồng thời tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ngô, lạc và mè đen cho 340 lượt nông dân. Dự án cũng trang bị cho Hợp tác xã nông nghiệp Đức Vĩnh xã Đức Phú 01 máy làm đất, 02 bình phun thuốc bảo vệ thực vật, 01 máy ép dầu lạc và 01 máy tách hạt ngô.

Cùng với huyện Mộ Đức, huyện Bình Sơn cũng là địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi cây trồng cạn trên chân đất lúa thiếu nước tưới.Trong vụ đông xuân 2016 – 2017, huyện đã chỉ đạo các xã chuyển đổi trên 444 ha, tăng gần 80 ha so với vụ đông xuân năm trước. Các cây trồng được chuyển đổi phổ biến vẫn là cây ngô 65,3 ha, cây lạc 85,2 ha, rau các loại 197 ha,... Theo đánh giá của huyện, bình quân lợi nhuận thu lại từ mỗi ha đất thực hiện chuyển đổi cao hơn từ 7-10 triệu đồng so với sản xuất lúa.

Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển đổi được gần 1.400 ha đất trồng lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả sang trồng ngô, lạc, mè và rau màu các loại. Một số mô hình đạt hiệu quả cao như mô hình trồng lạc tại huyện Mộ Đức, huyện Nghĩa Hành, huyện Bình Sơn… Mô hình trồng ngô tại huyện Sơn Hà, mô hình trồng rau tại huyện Mộ Đức. Các mô hình đều cho thu nhập cao gấp 2,5 – 3 lần so với trồng lúa trên cùng điều kiện và diện tích sản xuất. Bên cạnh giải pháp chuyển đổi cây trồng cạn phù hợp trên chân đất lúa thiếu nước tưới, ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi cũng khuyến cáo bà con nông dân sản xuất theo hướng luân canh như mô hình lúa đông xuân – lạc hè thu, lúa đông xuân – ngô hè thu, lúa đông xuân – rau các loại hè thu và các mô hình xen canh, gối vụ hợp lý… đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản.

Ông Dương Văn Tô – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết: Hiện Sở đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng cạn trên chân đất lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, Sở đang xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn ngoài giá trị kinh tế còn góp phần cải tạo và bổ sung dinh dưỡng cho đất, tiết kiệm nước tưới trong vụ hè, ngoài ra phụ phẩm từ các giống cây trồng chuyển đổi còn là nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc trong mừa mưa, nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân. Bên cạnh đó mô hình chuyển đổi còn góp phần cách ly và hạn chế sâu bệnh gây hại cho các loại cây trồng góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch, đồng thời duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân./.

                                                                                  Mạnh Hùng

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi