Trong Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung đã xác định cây lúa là cây chủ lực đối với ngành trồng trọt của huyện Sơn Tịnh trong nhữ​ng năm đến. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay bà con nông dân còn sản xuất theo tập quán canh tác cũ, chưa mạnh dạn thay đổi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất lúa như: còn dùng thóc ăn để làm giống; gieo sạ mật độ còn dày; bón phân chưa cân đối, nhất là việc bón thừa đạm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện... dẫn đến chi phí đầu vào cao, chất lượng sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế chưa đạt so với yêu cầu. Mặt khác, tình trạng sử dụng nước tưới chưa khoa học, không theo giai đoạn sinh trưởng của lúa, làm lãng phí nước trong điều kiện thiếu nước tưới như hiện nay.

Việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững là những bất cập của nền sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Vì vậy, giải pháp tối ưu là phải thiết kế lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung. Từ đó ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng với khối lượng lớn nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2019, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh xây dựng mô hình trình diễn cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa ở xứ đồng Mốc, thôn Minh Xuân trên diện tích 16 ha với 139 hộ tham gia. Giống lúa sử dụng TBR225 (cấp giống xác nhận) - giống lúa do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thai Binh Seed chọn tạo, đã được khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm quốc gia, được Hội đồng KHCN Bộ NN&PTNT công nhận chính thức là giống quốc gia năm 2015); lượng giống gieo sạ 90 kg/ha (4,5 kg/sào); thời gian gieo sạ  từ ngày 03 - 05/01/2019.

Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào mô hình cho nông dân, sau khi tập huấn bà con đã tiến hành thực hiện các bước theo quy trình hướng dẫn như: vệ sinh đồng ruộng, làm đất, bón phân lót, lên băng, ngâm ủ giống, gieo sạ, phòng trừ cỏ dại, tỉa dặm, bón phân thúc, chăm sóc.

Bà Đàn Thị Dậu, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc sản xuất 2 sào (1 sào = 500 m2) giống lúa TBR225. Qua hơn 3 tháng thực hiện bà cho biết giống lúa TBR225 là giống lúa phù hợp với chân đất của địa phương, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, trổ bông tập trung, bông to dài nhiều hạt, khả năng cho năng suất cao hơn các giống lúa mà bà đã làm trước đó. Bà rất vui mừng và phấn khởi, mong muốn sắp tới được Nhà nước quan tâm hỗ trợ tổ chức trình diễn và đưa giống lúa này vào cơ cấu sản xuất những năm tiếp theo.

Nông dân kiểm tra chất lượng hạt lúa

Qua theo dõi kết quả thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” cho thấy, giống lúa trong mô hình có tỷ lệ nảy mầm cao (>95%), chiều cao cây 105-110 cm, cứng cây, trổ bông tập trung, bông to, dài, nhiều hạt, hạt thon dài, trọng lượng 1.000 hạt 24-25gr. Các yếu tố cấu thành năng suất như: số bông/mét vuông, số hạt chắc/bông có sự khác biệt rất rõ giữa 2 ruộng mô hình và ruộng ngoài mô hình.

Về năng suất lúa trong mô hình trình diễn, năng suất lý thuyết 86,24 tạ/ha. Ước năng suất lúa thực thu trong mô hình trình diễn đạt 64,7 tạ/ha, năng suất lúa ngoài đại trà trong cùng điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng ước đạt 62,3 tạ/ha. Mô hình trình diễn “cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” đã giảm được chi phí đầu tư so với lúa sản xuất ngoài đại trà trong cùng điều kiện trên 1,1 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận ở ruộng mô hình trên 13,3 triệu đồng, ruộng nông dân hơn 10,8 triệu đồng. Như vậy, ruộng mô hình lãi so với ruộng của nông dân hơn 2,5 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Văn Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho biết: Đánh giá về hiệu quả kinh tế, mô hình đã giảm được các khoản đầu tư như: giống, phân bón, thuốc  bảo vệ thực vật, công chăm sóc so với sản xuất lúa ngoài đại trà trong cùng điều kiện, đáp ứng tiêu chí đã áp dụng vào mô hình là sản xuất theo phương pháp 1 phải 5 giảm. Năng suất lúa trong mô hình đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, mô hình cũng làm thay đổi dần về nhận thức và tập quán sản xuất lúa của bà con nông dân; giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp cận các giống lúa mới có khả năng thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây và hạn chế được các loại sâu bệnh gây hại.

Từ hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa trên cánh đồng mới thực hiện dồn điền đổi thửa ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, trong thời gian tới huyện Sơn Tịnh tăng cường công tác tuyên truyền tiếp tục nhân rộng mô hình để nông dân ứng dụng vào sản xuất, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, tăng năng suất. Đồng thời, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước, do việc lạm dụng phân đạm và thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh.

Thu Phượng - Kim Cúc