Gia đình ông Đỗ Khánh ở thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi có 4 ô chuồng nuôi lợn với tổng diện tích khoảng 20 m2. Hàng năm gia đình ông nuôi từ 8 – 12 con lợn thịt, nhưng giá lợn hơi lên xuống thất thường, nếu hạch toán kinh tế thường hòa vốn hoặc thua lỗ, có lứa nuôi bán được giá nhưng lãi cũng chẳng được bao nhiêu. Cuối năm 2016, gia đình ông Đỗ Khánh quyết định cải tạo lại chuồng nuôi lợn thành bể nuôi lươn không bùn. Ông Khánh cho biết, ông thả hơn 3000 con lươn giống. Sau 6 tháng nuôi lươn sinh trưởng rất tốt, trọng lượng bình quân từ 130 – 150 g/con, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 170.000 đồng/kg, gia đình ông thu được gần 70 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 30 triệu đồng.

Anh Phạm Phượng cũng ở xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi cho biết, gia đình anh đã cải tạo lại 6 ô chuồng nuôi lợn với tổng diện tích hơn 30 m2 thành bể nuôi lươn không bùn. Cuối năm 2016, anh thả nuôi 3500 con lươn giống, sau 6 tháng nuôi lươn đạt trọng lượng bình quân 140 – 160 g/con và được thương lái thu mua toàn bộ với giá 170.000 đồng/kg, gia đình anh thu được gần 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi được hơn 40 triệu đồng. Anh Phượng cho biết thêm, trước nay nuôi lợn chưa bao giờ có được khoản thu nhập cao như vậy. Để phát triển kinh tế gia đình, anh quyết định xây thêm 3 ô bể nuôi lươn không bùn trên phần nền đất trống phía trước nhà và dự tính sẽ thả nuôi khoảng 5000 con lươn giống.

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Phạm Phượng, xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông thành phố Quảng Ngãi cho biết, các hộ dân nuôi lươn không bùn trên địa bàn thành phố đã tận dụng các loại thức ăn có sẵn như bột cám gạo, bột ngô, bánh khô dầu, cá vụn, ốc bươu vàng để phối trộn làm thức ăn cho lươn, vì vậy lươn sinh trưởng phát triển khá tốt, lại giảm được chi phí thức ăn, tăng thu nhập. Tuy nhiên theo chị Dung, các hộ nuôi lươn sử dụng thức ăn tự phối trộn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi từ khâu vệ sinh, khử trùng bể nuôi bằng một số hóa chất sát trùng, lựa chọn con giống phải khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, con giống phải đồng đều về kích thước, khi cho lươn ăn phải định kỳ bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin C để phòng bệnh về tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng cho lươn, trong quá trình nuôi phải thường xuyên thay nước và vệ sinh bể nuôi, duy trì mực nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lươn. Để lươn sinh trưởng phát triển tốt cần bố trí nơi trú ẩn cho lươn bằng cách kết ống nhựa hoặc ống tre thành nhiều vỉ xếp chồng lên nhau. Mỗi tầng đặt cách nhau 5- 10cm và lươn không ưa ánh sáng, nên bể nuôi phải có mái che hoặc làm giàn, phủ lưới tạo bóng râm.

Ông Cao Tùng, Trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Quảng Ngãi cho biết, mô hình nuôi lươn không bùn không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ khoảng vài chục mét vuông, vì vậy người dân có thể tận dụng các khu đất trống xung quanh nhà để xây bể nuôi lươn. Đặc biệt có thể tận dụng các ô chuồng nuôi lợn có sẵn cải tạo lại thành bể nuôi lươn, đây là mô hình phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt phù hợp với các hộ dân sinh sống ở các vùng ven thành phố Quảng Ngãi có diện tích đất sản xuất nhỏ. Việc nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, đồng thời góp phần đa dạng hóa đối tượng sản xuất, tận dụng được nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp để nuôi lươn đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mạnh Hùng

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi