Thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương 2015-2017 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện dự án trong 3 năm qua.

Trung tâm đã đầu tư toàn bộ giống, 30% vật tư phân bón, thuốc BVTV; chỉ đạo thực hiện qui trình kỹ thuật, kiểm định, kiểm nghiệm... và thu mua lại toàn bộ lượng hạt giống lúa xác nhận 1 đã sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng theo giá cả và phương thức được 2 bên thỏa thuận.

Các đại biểu tham quan ruộng mô hình vụ ĐX 2016-2017 tại huyện Tư Nghĩa

Tổng diện tích mô hình năm 2015, là 20 ha, thực hiện trong 02 vụ (10 ha vụ đông xuân 2014-2015 và 10 ha vụ hè thu 2015), với 75 hộ nông dân tham gia; sản xuất giống HT1 tại thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức.

Vụ đông xuân 2014 - 2015 lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh nên năng suất lúa tương đối cao. Năng suất bình quân đạt 57 tạ/ha, vượt cao hơn so với yêu cầu của dự án (50 tạ/ha) khoảng 14%, cao hơn năng suất của giống HT1 trong sản xuất đại trà tại địa phương 11 tạ/ha. Năng suất giống thu mua tươi trong mô hình đạt 70,7 tạ/ha (qui khô đạt 57 tạ/ha) cao hơn ruộng đối chứng 4 tạ/ha. Thu nhập của nông dân trong mô hình 42,42 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 9,42 triệu đồng/ha.

Vụ hè thu 2015, kết quả kiểm định đạt yêu cầu 40% diện tích với năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha, đạt yêu cầu của dự án. Năng suất giống thu mua tươi đạt 68 tạ/ha, qui khô đạt 56 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng 3,8 tạ/ha. Thu nhập của nông dân trong mô hình 36,04 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 8,1 triệu đồng/ha (không kể phần kinh phí ngân sách hỗ trợ cho người dân).

Năm 2016, tổng diện tích mô hình là 35 ha (20 ha trong vụ đông xuân, 15 ha trong vụ hè thu), với 245 hộ nông dân tham gia (trong đó vụ đông xuân có 150 hộ và vụ hè thu có 95 hộ) tại xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ.

Vụ đông xuân 2015-2016, năng suất giống tươi đạt bình quân 61,2 tạ/ha (năng suất khô 52,1 tạ/ha, so với đại trà chung tại địa phương cùng trà năng suất 50,3 tạ/ha; mô hình cho năng suất cao hơn gần 2 tạ/ha). Thu nhập bình quân của người dân 36,72 triệu đồng/ha. Mô hình có hiệu quả hơn sản xuất bình thường 6,54 triệu đồng/ha, hơn 21,6 % so sản xuất bình thường trên đại trà cùng mùa vụ (không kể phần kinh phí ngân sách hỗ trợ cho người dân).

Vụ hè thu 2016, năng suất giống tươi đạt bình quân 77,3tạ/ha (khô 61,2 tạ/ha, so với đại trà chung tại địa phương cùng trà năng suất 58 tạ/ha; mô hình cho năng suất cao hơn 3,2 tạ/ha). Thu nhập bình quân của người dân 46,38 triệu đồng/ha. Mô hình có hiệu quả hơn sản xuất bình thường 11,58 triệu đồng /ha, hơn 33,2 % so sản xuât bình thường trên đại trà cùng mùa vụ (không kể phần kinh phí ngân sách hỗ trợ cho người dân).

Năm 2017, tổng diện tích mô hình vụ đông xuân 2016-2017 là 40 ha (20 ha giống DH99-81 tại huyện Tư Nghĩa và 20 ha giống DH815-6 tại huyện Đức Phổ). Năng suất giống lúa khô ước đạt bình quân 75 tạ/ha, cao hơn đại trà khoảng 7 tạ/ha). Thu nhập bình quân của người dân cao hơn sản xuất bình thường 35% (không kể phần kinh phí ngân sách hỗ trợ cho người dân).

Ngoài ra, trong 3 năm qua, Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất hạt giống xác nhận cho khoảng 736 hộ nông dân trực tiếp tham gia mô hình và 120 khuyến nông viên, cán bộ kỹ thuật, nông dân chủ chốt ngoài mô hình trong địa bàn tỉnh.

Lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất hạt giống xác nhận

Ông Đỗ Đức Sáu, Phó GĐ Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Trung tâm đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm hạt giống sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định (QCVN). Nông dân tham gia mô hình có lãi cao hơn so với sản xuất đại trà từ 20-35%. Mô hình áp dụng các tiến bộ KHKT, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp một cách đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch và sau thu hoạch... làm giảm công lao động, giúp người nông dân có thêm điều kiện để nâng cao kiến thức về mọi mặt. Nhận thức của nông dân trong mô hình thay đổi hoạt động sản xuất của mình gắn liền với tiêu thụ, liên kết giữa các hộ sản xuất nhỏ thành tổ nhóm để liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra cho sản phẩm của họ. Đây là một trong những điều kiện góp phần xây dựng nông thôn mới.        

Hải Yến