Để từng bước cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh phối hợp với HTX DVNN Tịnh Bắc thực hiện mô hình trình diễn trồng lạc bằng phương pháp che phủ bạt. Phương pháp này vừa tiết kiệm được lượng nước tưới, vừa giảm chi phí công lao động, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất.

Mô hình trình diễn trồng lạc bằng phương pháp che phủ bạt được Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh thực hiện với qui mô 0,5 ha ở xứ đồng Thổ Cam, thôn Minh Mỹ, xã Tịnh Bắc, có 7 hộ tham gia. Giống lạc sử dụng LDH 01. Lượng giống trồng 10 kg lạc vỏ/sào. Thời gian trồng từ ngày 22 đến ngày 24/2/3017. Nông dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư.

Ông Lâm Quang Thân ở xóm 2, thôn Minh Mỹ là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, hơn 40 năm qua, gia đình ông chuyên sản xuất trồng cây đậu phụng (lạc) theo phương thức truyền thống, nhưng sau khi được cán bộ khuyến nông huyện tuyên truyền, hướng dẫn trồng lạc theo phương pháp phủ bạt giảm bớt công chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng lạc theo phương pháp phủ bạt với diện tích 1.000 mét vuông ở xứ đồng Thổ Cam, thôn Minh Mỹ. Theo ông Thân thì việc trồng lạc theo phương pháp phủ bạt đem lại nhiều ưu điểm, hạn chế sâu bệnh, giảm bớt công chăm sóc và năng suất đạt cao so với cách làm truyền thống. Theo ông dự tính, bình quân cứ 500 mét vuông, ông thu được khoảng 4-5 bao, 1 bao ước 27 kg đậu khô, với giá bán 28.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi khoảng 1,9 triệu đồng/sào. 

Ông Huỳnh Tấn Công, thôn Minh Mỹ, xã Tịnh Bắc có biết: Đây là năm đầu tiên ông tham gia thực hiện mô hình, ông cho rằng trồng lạc theo phương pháp phủ bạt, tỷ lệ mọc cao 90%, bình quân số quả trên cây đạt từ 9-15 quả.

Nông dân tham gia mô hình phấn khởi vì lạc đạt năng suất cao

Lạc trồng bằng phương pháp che phủ bạt có sức sinh trưởng tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe, được biểu hiện ở chiều cao thân chính và số lượng cành thứ cấp/cây của lạc trong mô hình cao hơn so với lạc đối chứng. Mặt khác, lượng nước tưới/vụ giảm ½ so với sản xuất lạc không phủ bạt. Điều này cho thấy, bạt phủ nông nghiệp ngoài tác dụng hạn chế cỏ dại, còn có tác dụng hạn chế sự thất thoát phân bón cho cây trồng và giữ ẩm cho đất. Từ đó, hiệu suất sử dụng phân bón của lạc tăng nên lạc có sức sinh trưởng tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe hơn. Lượng phân sử dụng cho lạc được trồng bằng phương pháp che phủ bạt giảm đáng kể so với trồng lạc không phủ bạt, đặc biệt là lượng phân đạm. Mặc dù lượng phân bón cho lạc trong mô hình ít hơn nhưng năng suất cao hơn so với lạc đối chứng ngoài đại trà. Điều này chứng minh thêm lần nữa là bạt phủ nông nghiệp có tác dụng làm hạn chế sự thất thoát của phân bón, giúp cây trồng hấp thu tối đa lượng phân đã đưa vào đất.

Theo kết quả đánh giá mô hình, tỷ lệ quả 3 hạt trở lên đạt 59,8%, cao hơn so với lạc địa phương 34,8%. Năng suất của lạc trong mô hình đạt 27,59 tạ/ha, cao hơn so với kế hoạch đề ra 2,59 tạ/ha, đạt 110,4%, và cao hơn năng suất lạc địa phương 6,76 tạ/ha. Lợi nhuận mô hình mang lại hơn 28 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng ngoài đại trà hơn 13 triệu đồng/ha. Việc áp dụng mô hình trồng lạc theo phương pháp phủ bạt đã khắc phục tình trạng thiếu nước tưới và áp lực mùa vụ, từng bước giúp bà con nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mới. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp hơn trên chân đất sản xuất lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả.

                                                                      Kim Cúc - Như Đồng

Đài Truyền thanh Sơn Tịnh, Quảng Ngãi