Trong năm 2021, Dự án triển khai mô hình nuôi ghép tôm, cua, cá đối trên diện tích 02 ha do 08 hộ dân tại 2 xã Bình Dương và Bình Chánh thực hiện.

Các ao nuôi trong mô hình có diện tích từ 2.000 - 3.000 mét vuông, độ sâu 1,2 - 1,3 mét. Mật độ thả nuôi ghép như sau: 40 con tôm thẻ chân trắng/mét vuông, 01 con cua biển/mét vuông, 01 con cá đối/mét vuông.

Cá đối trong mô hình

 

Ông Nguyễn Hoàng Phương - hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình ông thả cua và cá đối mục trước khi thả tôm giống 01 tháng vì cua và cá đối có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn tôm thẻ chân trắng. Điều quan trọng hơn là sau một tháng thả nuôi, cua và cá đối hoạt động tốt trong ao, làm cho đáy ao thông thoáng, các loại tảo có lợi trong ao phát triển tốt, nhờ vậy các chỉ tiêu môi trường nước ao ổn định, sinh vật phù du phát triển thuận lợi cho việc thả tôm. Nhờ thực hiện đúng quy trình kĩ thuật, chăm sóc nên qua 3 tháng ông Phương thu được 300 kg cua biển, 500 kg tôm, 150 kg cá đối thu về trên 120 triệu, trừ chi phí lãi 35 triệu đồng.

Ông Lê Đăng Khoa - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết: Sau một thời gian nuôi ghép khoảng hơn 2 tháng, hộ nuôi bắt đầu thu hoạch tôm thẻ chân trắng, cua và cá đối thì tiếp tục nuôi và thu tỉa. Theo đánh giá, sau thời gian 3 tháng cua đạt trọng lượng từ 200 – 250 g/con, cá đạt trọng lượng khoảng 220g/con. Tổng thu cả 3 đối tượng trung bình đạt trên 627 triệu đồng/ha, trừ chi phí, hộ dân còn lãi trên 228 triệu đồng.

Nông dân phấn khởi thu hoạch tôm cua trong mô hình

 

Mô hình nuôi kết hợp tôm, cua, cá đối rất thích hợp với các ao đất vùng triều nước lợ trong điều kiện môi trường nước mất cân bằng sinh thái, phương tiện thiếu thốn. Phương thức nuôi kết hợp này sẽ giảm rủi ro cho bà con nuôi trồng thủy sản ở ao đất vùng triều. Qua đó, các hộ thực hiện mô hình đã chia sẻ kinh nghiệm đối với các hộ dân xung quanh có nhu cầu để phát triển mô hình này hiệu quả hơn trong thời gian đến./.

Như Đồng