Toàn cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành NN trên địa bàn tỉnh

Tỷ trọng trồng trọt giảm

Trong những năm qua, ngành đã và đang tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch các loại cây trồng chủ lực như lúa, mía, mì (sắn); cơ cấu lại các loại cây trồng chủ lực; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn; thực hiện xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, hiệu quả cao, giá thành hạ.

Bên cạnh việc tiếp tục khảo nghiệm sản xuất thử các giống lúa mới, các giống lúa có triển vọng, tỉnh đã đưa vào sản xuất đại trà 06 giống mì, 08 giống mía, 07 giống ngô, 04 giống lạc; bình tuyển công nhận 03 giống cây ăn quả đầu dòng, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng trung, ngắn ngày nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng nhưng có năng suất tương đương với nhóm giống dài ngày.

Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 69 cánh đồng lớn sản xuất lúa; trong đó, doanh nghiệp đầu tư 6 cánh đồng, Chương trình khuyến nông và chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư 63 cánh đồng, với tổng diện tích 1.499,3 ha. Vụ đông xuân, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha đối với lúa thuần và đạt 85tạ/ha đối với lúa lai; vụ hè thu năng suất đạt 67 tạ/ha cao hơn so với lúa đại trà từ 3-7 tạ/ha.

Về chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện 3.569 ha. Các loại cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngô, rau, đậu các loại, cỏ, mía, mì... Qua tính toán cho thấy giá trị sau thu hoạch cây trồng cạn sau chuyển đổi cao hơn nhiều so với trồng lúa, điển hình như cây ngô (tăng 9,4%), cây lạc (tăng 32,2%), cây đậu xanh (tăng 5,8%), đặc biệt là cây ớt cao 3,8 lần so với trồng lúa trên cùng chân đất.

Giá trị sau thu hoạch trên 01 ha đất canh tác có xu hướng tăng nhanh qua các năm: năm 2013 là 55,8 triệu đồng, năm 2014 là 60,8 triệu đồng, năm 2015 là 71,7 triệu đồng và ước năm 2016 đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân qua các năm là 5,8%/năm.

Quảng Ngãi chú trọng xây dựng các cánh đồng lớn SX lúa

Tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ tăng lên

Đàn gia súc, gia cầm tại thời điểm tháng 01/4/2016 (so với năm 01/4/2013) là đàn trâu 66.921 con, tăng 8,81%, đàn bò 280.565 con, tăng 2,5%, đàn bò lai chiếm trên 60%, tăng 5,1%; đàn heo 456.545 con, giảm 1,75%; đàn gia cầm 4,37 triệu con, tăng 3,6%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 41.511 tấn, tăng 21,2% 

Giá trị sản xuất trong chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, năm 2013 chiếm 34,9% thì đến năm 2016 ước chiếm khoảng 40,12%. Nhìn chung, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bước đầu đã xác định được sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực, đó là bò thịt và trâu thịt.

Tiếp tục thực hiện Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2014 - 2018. Đến nay, tỷ lệ bò lai trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 60% so với tổng đàn bò, vượt chỉ tiêu Đề án đặt ra.

Kiểm soát giết mổ, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 441 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 02 cơ sở giết mổ tập trung có đăng ký kinh doanh và 439 cơ sở giết mổ nhỏ lẽ không có đăng ký kinh doanh. Các cơ sở giết mổ này đều được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ thường xuyên, đúng quy định.

Lâm nghiệp chuyển biến tích cực

         Ngành lâm nghiệp đã có những chuyển biến tích cực theo hướng chuyển từ sản xuất chỉ chú trọng phát triển về diện tích và độ che phủ của rừng sang hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển rừng bền vững. Diện tích rừng sản được tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, thực hiện các dự án trồng rừng như: WB3, KFW6, JBIC, PACSA2, JICA2... Mỗi năm toàn tỉnh trồng mới khoảng 12.000ha rừng, trong đó có khoảng 1.000ha rừng phòng hộ; khoanh nuôi từ 1.000-3.000ha, bảo vệ khoảng 125.000ha. Ước cuối năm 2016, độ che phủ của rừng đạt trên 51,1%, tăng 2,85% so với năm 2013.

          Diện tích trồng cây gỗ lớn trong dân chưa phổ biến. Hiện nay, công ty Lâm nghiệp Ba Tơ đã đang chuyển hóa trên 2.500ha keo từ 6-7 năm tuổi sang rừng gỗ lớn (hơn 10 năm tuổi). Ước giá trị sau thu hoạch sẽ cao gấp 3-3,5 lần so với rừng trồng 5-6 năm tuổi. Tuy nhiên, diện tích chuyển hóa rừng cây gỗ lớn chưa nhiều, trước hết là do đời sống của người dân còn khó khăn, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ phát triển rừng cây gỗ lớn cho các tổ chức và cá nhân.

Hiện nay, ngành đang thực hiện Dự án nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen giống cây quế bản địa Trà Bồng; lập quy hoạch chi tiết hai khu bảo tồn dự trữ thiên nhiên trên cạn là khu Tây huyện Ba Tơ và khu Tây huyện Trà Bồng...

Thủy sản tăng trưởng khá

Khai thác thủy sản là thế mạnh của kinh tế Quảng Ngãi. Trong những năm qua, khai thác thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ, giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên. Ước cuối năm 2016, toàn tỉnh có trên 5.568 chiếc tàu cá, tăng 335 chiếc so với 2013. Tổng công suất tàu cá năm 2016 ước đạt 1.218.000CV, tăng so với năm 2013 là 54,4%. Năm 2016, số lượng tàu cá có công suất dưới 90CV giảm 693 chiếc so với năm 2013, ngược lại, tàu cá có công suất từ 400CV trở lên tăng lên 875 chiếc. Nghề lưới kéo năm 2013 chiếm 31,6% tăng lên 33,2% vào năm 2016; tỷ lệ nghề câu, nghề lưới vây tăng không đáng kể. Sản lượng thủy sản khai thác ước đến cuối năm 2016 đạt 170.400 tấn, tăng bình quân 3,9%/năm.

Về đóng mới tàu cá, Bộ NN và PTNT đã phân bổ cho tỉnh Quảng Ngãi là 189 chiếc. Đến nay đã có 09 tàu cá vỏ thép, trong đó có 03 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Ngành đã hỗ trợ ngư dân sử dụng máy dò ngang, máy ra đa, máy lọc nước biển thành nước ngọt, phát triển các nghề mới như lưới chụp, lưới rê bùng nhùng (rê xù), nghề câu cá ngừ đại dương, lồng bẫy. Khuyến khích ngư dân chuyển từ các nghề khai thác ven bờ như lưới kéo, pha xúc sang các nghề khai thác xa bờ như lưới rê, nghề câu; áp dụng công nghệ sản xuất đá vảy, nước đá sệt từ nước biển, công nghệ bọc cách nhiệt hầm bảo quản bằng vật liệu PU... để bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác.

Diện tích nuôi thủy sản năm 2016 ước đạt 1.440ha, tăng 75ha so với năm 2013, trong đó nuôi nước lợ khoảng 800ha, nuôi nước ngọt khoảng 890ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 6.400 tấn tăng 0,4% so với năm 2013, trong đó tôm nước lợ 4.600 tấn, cá nước ngọt 1.500 tấn và thủy sản khác 250 tấn.

Ngoài ra, ngành còn phát triển các mô hình nuôi biển, như nuôi tôm hùm, nuôi hàu Thái Bình Dương và một số loài cá biển. Sản lượng nuôi biển đạt 250 tấn (gồm 25 tấn tôm hùm và 225 tấn cá và hàu Thái Bình Dương), tăng  245 tấn so với năm 2013.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 08 HTX DV khai thác hải sản xa bờ và củng cố và phát triển 306 tổ đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển dựa trên trên nguyên tắc “ba cùng” (cùng địa phương, cùng nghề khai thác, cùng ngư trường khai thác) để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển.

Chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, tổng số tàu được UBND tỉnh phê duyệt 06 đợt là 103 chiếc, UBND tỉnh đã quyết định xóa tên 25 chiếc, số được phê duyệt còn hiệu lực là 78 chiếc, trong đó có 29 vỏ thép, 43 vỏ gỗ, 06 vỏ composite; nâng cấp 18 chiếc. Cụ thể, số tàu đã được các Chi nhánh NHTM ký hợp đồng tín dụng và thông báo đồng ý ký hợp đồng tín dụng là 35 chiếc (12 vỏ thép, 23 tàu khai thác vỏ gỗ). Riêng  18 tàu cá nâng cấp chưa triển khai.

Số tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa năm 2016 ước đạt 1.100 tàu. Kinh phí đã được phê duyệt và giải ngân tính từ năm 2011 đến nay đã hỗ trợ 26 đợt với tổng số tiền là 542,8 tỷ đồng, ước tổng số tiền hỗ trợ đến cuối năm 2016 đạt trên 750 tỷ đồng

Ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá, áp dụng các tiến bộ công nghệ trong khai thác, số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngày càng hiện đại.

Chế biến sản phẩm, cơ giới hóa trong sản xuất tăng nhanh

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhà máy chế biến đường Phổ Phong có công suất khoảng 2.200 tấn/năm và 02 nhà máy chế biến tinh bột mì là Tịnh Phong và Sơn Hải đang hoạt động.

Về chế biến lâm sản, theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh có 52 doanh nghiệp chế biến gỗ xẻ, đồ gỗ nội thất, ván dăm, trong đó có 34 dự án chế biến gỗ đã được cấp phép, trong đó có 24 dự án sản xuất dăm gỗ, 7 doanh nghiệp sản xuất gỗ viên nén và 3 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. Các doanh nghiệp này được cấp phép đầu tư, hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động trong giai đoạn 2011-2020.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp chế biến thủy sản, chủ yếu là phile cá xuất khẩu. Ngoài ra còn có các cơ sở chế biến mắm, cá khô, chả cá...

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.215 máy kéo công suất trên 35 CV, 356 máy kéo công suất 12-35 CV, 1.965 máy làm đất và trên 506 máy gặt đập có công suất 40-80 CV, đảm bảo thu hoạch lúa cho hơn 70% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh.

Tình hình cơ giới hóa trong SX NN trong những năm qua có tăng nhanh so với các năm trước, nhất là máy làm đất, máy gặt đập, máy bơm nước… đã góp phần đáng kể trong việc giải phóng sức lao động nặng nhọc, hạn chế thất thoát sản phẩm sau thu hoạch, góp phần hạ giá thành sản phẩm.

Phát triển thủy lợi, hạ tầng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 700 công trình thủy lợi phục vụ tưới, bao gồm 121 hồ chứa nước; 454 đập dâng, 05 đập ngăn mặn và 120 trạm bơm với tổng năng lực tưới theo thiết kế là 89.358ha; năng lực khai thác tưới thực tế của các công trình là 57.4000ha đạt 64,2% so với năng lực tưới thiết kế. Đảm bảo tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ, cây công nghiệp ngắn ngày và cây rau màu với tần suất đảm bảo tưới lên 85%; cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp với mức đảm bảo trên 90%; tạo nguồn và cấp nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối.

Hiện nay, các công trình hạ tầng thủy sản như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh  có tổng năng lực thiết kế cho tàu thuyền neo đậu tại các cảng là 1.750 chiếc, trong đó Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa 350 chiếc; Cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn 500 chiếc, Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á 400 chiếc, Cảng cá Sa Huỳnh 500 chiếc. Nhiều hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá như: trạm xăng dầu, sản xuất đá lạnh, cơ sở thu mua, sơ chế thủy sản; cơ sở đóng sửa tàu thuyền; cơ sở sửa chữa cơ khí; cơ sở cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm... đã được được xây dựng đi vào hoạt động, tạo thuận lợi cho các tàu cá khai thác và tiêu thụ sản phẩm.

Tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM

Tổng kinh phí hỗ trợ từ 3 năm qua (NSTW) 16.105 triệu đồng để thực hiện  12 mô hình, gồm nuôi bò cái lai sinh sản, bò vỗ béo; nuôi gà thịt; sản xuất, hỗ trợ giống lúa lai; cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả; mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu; trồng thanh long ruột đỏ; trồng tỏi theo hướng an toàn; xây dựng cánh đồng mẫu; hỗ trợ máy băm đất, máy gặt đập liên hợp; máy phun thuốc khử trùng tiêu độc... Về thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM đến 30/6/2016, có 11 xã đạt chuẩn NTM. Ước đến cuối năm 2016, toàn tỉnh sẽ có 26 xã đạt tiêu chí NTM.

Ngày 17/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành NN trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra nhiều điểm hạn chế, nguyên nhân, các cơ chế chính sách chưa sát với thực tế, nhất là công tác qui hoạch chưa gắn kết với đầu ra sản phẩm của nông dân…

Hải Yến