Đến với huyện Sơn Tịnh hôm nay, chắc chắn một điều là hầu hết người nông dân sản xuất lúa nơi đây đều sử dụng giống lúa kỹ thuật vào sản xuất và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", ICM, IPM. Được huyện tăng cường xây dựng mạng lưới bảo vệ thực vật ở cơ sở nên bà con đã giảm được chi phí sản xuất, hạn chế được sâu bệnh và tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích lúa. Đặc biệt, trong thời gian qua, huyện đã nỗ lực thực hiện các dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng trọt, dần hình thành phương pháp sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Thành công của Dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp-nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả" ở 2 xã Tịnh Đông và Tịnh Giang đã thu hút sự hưởng ứng đồng thuận của nhiều người dân. Đây là dự án cấp quốc gia, đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến với quy trình quản lý phân bón, dịch hại tổng hợp nên vừa giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa tăng chất lượng sản phẩm. Dự án đã thực hiện trên 160 ha ngô gồm 2 giống CP333 và LVN61, năng suất bình quân đạt trên 71 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.138 tấn.

Mới đây, dự án khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ cũng đã được bà con nông dân hưởng ứng cao. Dự án đã tổ chức xây dựng mô hình vụ Đông Xuân 2019-2020 với tổng diện tích 30 ha lạc, sử dụng các giống lạc LDH09, LDH01, L14, và có 249 hộ ở 5 thôn Thọ Bắc, Thọ Tây, Thọ Nam, Thọ Đông, Thọ Trung tham gia. Năng suất bình quân ước đạt 37 tạ/ha.

Dự án xây dựng vùng chuyên canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ

 

Bên cạnh chú trọng sản xuất trồng trọt, thì chăn nuôi sạch cũng được huyện quan tâm. Đối với huyện, chăn nuôi sạch phải bắt đầu từ khâu xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, không sử dụng chất cấm. Người chăn nuôi ở huyện đã áp dụng chăn nuôi một cách khoa học, sạch sẽ; quá trình nuôi, chăm sóc chỉ được dùng thức ăn từ những nhà sản xuất có uy tín, không sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Với xu hướng trên, những năm gần đây ngành chăn nuôi ở huyện đã đạt một số thành tựu nhất định. Tổng đàn gia súc gia cầm năm sau luôn cao hơn năm trước. Người chăn nuôi đã sử dụng các giống gia súc, gia cầm nhập ngoại, áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Trên địa bàn huyện đã có những trang trại liên kết với các công ty triển khai chăn nuôi sạch như ở xã Tịnh Trà có nông dân Võ Ngọc Sơn, Lê Tự Quốc Tín đã áp dụng phương thức chăn nuôi sạch, hạn chế dịch bệnh, tạo thu nhập cho người chăn nuôi.

Góp phần trong phát triển ngành chăn nuôi sạch ở huyện là thành công của các dự án. Trong đó phải kể đến dự án "Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cái lai Zebu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh" từ năm 2017 đến nay. Dự án đã triển khai thực hiện với kết quả là đã nhập 2.500 liều tinh, có trên 2.100 con bò có chửa, đạt trên 85% tổng số bò đã phối, bê sinh ra trong dự án 1.550 con. Các hộ tham gia dự án đều chăm sóc, nuôi dưỡng bê tốt, bê không dịch bệnh, tầm vóc vượt trội so với bê được phối từ tinh nội.

Nông dân Sơn Tịnh phấn khởi với Dự án phát triển bò lai hướng thịt

Với định hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, huyện Sơn Tịnh đang tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng mô hình điển hình cho từng lĩnh vực để áp dụng rộng rãi; xây dựng mối liên hệ giữa nhà khoa học, người nông dân và doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu, tạo thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.

                                                                   Thu Phượng - Kim Cúc

Đài PT-TH huyện Sơn Tịnh- Quảng Ngãi