Ông Lê Đình Dục, thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc cho biết: Năm 2019 là năm đầu tiên ông tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ông gieo sạ hơn 3.000 m2 (6 sào), với giống lúa DT45, cấp giống xác nhận. Do được chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật của cán bộ khuyến nông hướng dẫn nên lúa Hè Thu năm nay của gia đình ông phát triển tốt, đồng đều, ít sâu bệnh. Ước chừng, năng suất lúa sẽ đạt 70 tạ/ha. Tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn đã giúp ông giảm đáng kể mọi chi phí cho sản xuất như lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và công lao động.

Vụ Hè thu 2019, ông Lê Sơn, thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc gieo sạ gần 2 sào lúa DT45 ở xứ đồng Mốc. Ở xứ đồng này đã được địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa nên việc sản xuất của gia đình ông gặp nhiều thuận lợi, mọi chi phí sản xuất đều giảm. Trước kia, khi chưa thực hiện dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân sản xuất manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, nên việc chăm sóc và nguồn nước tưới gặp rất nhiều khó khăn. 

Cán bộ khuyến nông kiểm tra chất lượng hạt lúa trong mô hình

Mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện ở xứ đồng Mốc, thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc với quy mô diện tích 16,58 ha, có 139 hộ tham gia. Giống lúa sử dụng DT45, cấp giống xác nhận, lượng giống gieo sạ 4,5 kg/sào. Thời gian gieo sạ từ ngày 29/5 - 01/06/2019. Thực hiện mô hình theo phương thức Nhà nước hỗ trợ 50% và nhân dân đóng góp 50% giống, vật tư. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 64 triệu đồng. Ông Phạm Văn Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho biết: Qua theo dõi kết quả thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” vụ Hè Thu 2019 cho thấy, giống lúa có tỷ lệ nẩy mầm cao, trên 95%, chiều cao cây 110-115 cm, cứng cây, lá xanh đậm, góc lá hẹp, đẻ nhánh khỏe, trỗ bông tập trung, bông to, dài, nhiều hạt, trọng lượng 1.000 hạt 24- 25 gram, năng suất ước thực thu đạt 69,7 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng ngoài đại trà trong cùng điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng hơn 7 tạ/ha. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” đã giảm được chi phí đầu tư so với lúa sản xuất ngoài đại trà trong cùng điều kiện hơn 1,2 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ruộng mô hình hơn 17 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng 5,5 triệu đồng/ha. Việc thực hiện mô hình đã giảm được các khoản đầu tư như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc so với sản xuất lúa ngoài đại trà trong cùng điều kiện. Mô hình đã áp dụng sản xuất theo phương pháp 1 phải 5 giảm (phải dùng giống lúa kỹ thuật; giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch).

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi

Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình cánh đồng mẫu lớn còn làm thay đổi dần về nhận thức và tập quán sản xuất lúa của bà con nông dân; giúp nông dân có điều kiện tiếp cận các giống lúa có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây và hạn chế được các loại sâu bệnh hại vì áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái trên đồng ruộng được trong lành hơn, bảo vệ các loài thiên địch để hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Để áp dụng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn vào sản xuất đại trà ở những vụ tiếp theo đạt hiệu quả, nhằm góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập cho nông dân trên đơn vị diện tích, các địa phương ở huyện Sơn Tịnh tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là hướng đi tất yếu để sản xuất nông nghiệp bền vững. 

                                                                      Kim Cúc – Đức Văn

Đài PTTH huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi