Dự án liên kết tổ chức chăn nuôi gà đồi được triển khai cho 15 hộ dân ở xã Tịnh Phong, với số lượng 7.800 con/lứa; giống gà ta Minh Dư 1 ngày tuổi, trọng lượng bình quân 35 gram/con, gà khỏe mạnh, lanh lợi, lông mượt khô và bóng, da chân ướt, gà không bị khuyết tật. Gà giống được Công ty Hồng Vân bảo hành trong thời gian 15 ngày kể từ lúc giao nhận. Như vậy, trong thời gian 3 năm thực hiện 4 lứa nuôi, tổng cộng 31.200 con gà.

Mục tiêu của dự án là xây dựng chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gà đồi, nâng cao năng lực cho người sản xuất, liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập; giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nông hộ, nhất là đối với các hộ chăn nuôi gà quy mô lớn. Chỉ tiêu dự án đề ra là tỷ lệ nuôi sống của gà sau 4 tháng nuôi đạt 90% trở lên, tiêu tốn thức ăn 3,5 kg/1 kg tăng trọng; thời gian nuôi bình quân 100 ngày/chu kỳ, trọng lượng xuất bán bình quân 1,8 kg/con, sản lượng thịt xuất chuồng/chu kỳ sản xuất 12.636 kg.

Dự án liên kết tổ chức chăn nuôi gà đồi được triển khai cho 15 hộ dân ở xã Tịnh Phong

Để thực hiện dự án, chính quyền xã thông báo rộng rãi trong nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, kinh phí, nội dung và phương thức đầu tư để các hộ dân trên địa bàn có nguyện vọng tham gia dự án, tự nguyện viết đơn đăng ký. Sau đó, tổ chức họp dân trong thôn, xét chọn và lập danh sách hộ, niêm yết công khai danh sách hộ tham gia tại UBND xã. Điều kiện tham gia mô hình là hộ nông dân có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống ổn định tại xã, có điều kiện về đất đai, nhân lực đảm bảo thực hiện dự án đạt hiệu quả, có đủ kinh phí đối ứng theo yêu cầu của dự án, có diện tích đất đồi tối thiểu 300m2 để thả gà, tự nguyện tham gia, cam kết thực hiện nghiêm túc hướng dẫn kỹ thuật và các điều kiện khác khi tham gia chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, xã tổ chức các lớp tập huấn áp dụng kỹ thuật sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ; nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị; nâng cao năng lực quản lý hợp đồng và phát triển thị trường.

Khi tham gia dự án, ngoài chú trọng yếu tố về giống gà còn quan tâm đến vấn đề chuồng trại, chọn khu đất cao ráo, sạch sẽ, cách xa nhà ở và khu dân cư để xây chuồng. Tùy thuộc vào điều kiện nuôi mà xây dựng chuồng trại. Đối với nuôi nhốt hoàn toàn, chuồng trại được làm chắc chắn và xây dựng theo kiểu thông thoáng tự nhiên, tường xây bằng gạch cao khoảng 40-50 cm; bên trên tường lửng gắn lưới hoặc tre đan thành phên, có rèm che; chuồng chia thành nhiều ô, có kho để chứa thức ăn và dụng cụ chăn nuôi. Trước cửa ra vào các ô có đặt khay hoặc hố sát trùng. Nuôi bán chăn thả, ngoài chuồng nuôi cần có khu sân chơi cho gà (diện tích tùy thuộc vào điều kiện đất đai của nông hộ); sử dụng các vật liệu sẵn có để làm chuồng nhằm giảm chi phí; có rèm che chống mưa tạt, gió lùa; mái lợp tole hoặc lá; khu vực thả gà cần có cây che bóng và bố trí đầy đủ máng ăn, uống; xung quanh khu chăn nuôi phải có tường hay hàng rào bảo vệ; mật độ nuôi từ 12-16 m2/100 gà.

Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp nông thôn mới 300 triệu đồng, vốn dân gần 2,9 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 87 triệu đồng. Khi dự án thực hiện thành công sẽ đem lại tổng thu nhập hơn 4 tỷ đồng, lợi nhuận của cả dự án gần 890 triệu đồng, lợi nhuận 1 lứa hơn 222 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 1 lứa/hộ gần 15 triệu đồng.

Về hiệu quả xã hội, thực hiện dự án theo chuỗi sản xuất làm giảm các khâu trung gian, hạ giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm trong chăn nuôi gà, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện để ổn định sản xuất; đảm bảo cho các thành viên tham gia chuỗi sản xuất chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng hợp tác nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững, giúp nông dân an tâm sản xuất.

                                                                   Kim Cúc