Ông Nguyễn Bá Ngoạt - Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ cho biết: Dự án liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm khoai lang Nhật được thực hiện với tổng quy mô 60 ha được triển khai ở 3 vụ (Đông Xuân 2018-2019, Đông Xuân 2019-2020 và Đông Xuân 2020-2021). Mỗi vụ thực hiện với diện tích 20 ha; sử dụng giống khoai lang Nhật vàng (Beniazuma), được lấy từ dây giống sản xuất tại chỗ. Nông dân thực hiện dự án được chuyển giao công nghệ về quy trình trồng và chăm sóc giống khoai lang Nhật vàng cấp G2, G3, cách lấy dây giống trồng thương phẩm. Phương thức chuyển giao công nghệ được thực hiện song song theo 2 hình thức: chuyên gia của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp xây dựng tài liệu kỹ thuật và quy trình công nghệ liên quan đến dự án, tiến hành chuyển giao các tài liệu kỹ thuật và quy trình công nghệ cho cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Tịnh Thọ thông qua hình thức đào tạo, hướng dẫn và trao đổi. Sau khi tiếp nhận công nghệ, cán bộ kỹ thuật của HTX Tịnh Thọ cùng với cán bộ kỹ thuật của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật viên cơ sở, nông dân thực hiện việc xây dựng mô hình dự án.

Dự án được ký kết hình thành mối liên kết giữa chính quyền địa phương, HTX Tịnh Thọ, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp, nông dân và Công ty TNHH Thuận Giao trong việc sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo quản và tiêu thụ khoai lang. Cụ thể, Hợp tác xã Tịnh Thọ tiếp nhận các vật tư của dự án để chỉ đạo và hướng dẫn nông hộ triển khai xây dựng mô hình trồng thâm canh khoai lang đúng theo quy mô và yêu cầu kỹ thuật của dự án; tiến hành thu mua toàn bộ sản phẩm khoai lang tươi của mô hình, tổ chức chế biến, phơi khô, đóng gói; ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Thuận Giao trong việc bao tiêu khoai lang thương phẩm sau sơ chế đúng theo chất lượng và giá thu mua được thỏa thuận.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất giữa Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp – Hợp tác xã – nông dân trong trồng thâm canh khoai lang thương phẩm với quy mô 20 ha/vụ, năng suất khoai đạt 19,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng hơn 50% so với canh tác lúa; sơ chế, bảo quản, tiêu thụ khoai lang thương phẩm tươi đạt 390 tấn/vụ; chế biến, phơi khô, đóng gói thương phẩm 20-30 tấn/năm. Với tổng thu nhập của mô hình đạt khoảng 119 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ước đạt trên 59 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Sơn Tịnh cho biết: Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3 tỷ đồng, trong đó, vốn nông thôn mới hơn 1,3 tỷ đồng, vốn Hợp tác xã hơn 750 triệu đồng, vốn dân hơn 685 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm khoai lang đã được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “khoai lang Tịnh Thọ” và UBND tỉnh đã có có công văn đồng ý. Việc công nhận nhãn hiệu tập thể khoai lang Tịnh Thọ sẽ giúp người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm. 

HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ đã lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “khoai lang Tịnh Thọ”

Dự án liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm khoai lang Nhật ở xã Tịnh Thọ sẽ tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thông qua hợp đồng hợp tác, nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững, giúp nông dân an tâm sản xuất.

                                                                    Kim Cúc