Toàn cảnh Hội nghị triển khai dự án

Mục tiêu của Dự án nhằm tăng thu nhập cho nông dân xã Tịnh Thọ từ 20% trở lên; ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng cơ giới hóa đồng bộ và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình chuyên canh cây lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả.

Quy mô thực hiện dự án gồm 80 ha, kế hoạch đề ra là năng suất lạc vỏ khô đạt từ 30 - 45 tạ/ha; xây dựng chuỗi liên kết bền vững nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp trong trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ lạc. Sản phẩm dự kiến sẽ tham gia hội chợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Trong quá trình thực hiện dự án chú trọng công tác chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lạc theo hướng cơ giới hóa trên đất lúa và màu kém hiệu quả; các kỹ thuật ép dầu, đóng chai, dán nhãn sản phẩm, đóng gói khô dầu lạc; kỹ thuật ủ chua thân lá lạc làm thức ăn gia súc; kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm từ cây lạc làm phân bón hữu cơ.

Với 80 ha được triển khai trong 3 vụ, trong đó vụ Đông Xuân 2019-2020 gồm 30 ha; vụ Hè Thu gồm 15 ha và Đông Xuân 2020-2021 là 35 ha. Đối với sản phẩm lạc giống của mô hình sẽ thực hiện chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với HTX dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ và nông dân tham gia. Trên cơ sở hợp đồng giữa doanh nghiệp với HTX về chủng loại, số lượng, chất lượng giống ngay từ đầu vụ, HTX sẽ liên kết trực tiếp với nông dân để tổ chức sản xuất, thu mua, đóng gói theo đúng yêu cầu của dự án và của Bộ môn chuyển giao. Đối với sản phẩm lạc thương phẩm từ mô hình, HTX dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ hợp đồng thu mua 1 phần sản phẩm lạc thương phẩm của các hộ nông dân tham gia dự án để phục vụ cho hoạt động ép dầu của HTX; phần lạc thương phẩm còn lại các hộ dân giữ lại để nông dân tự tiêu thụ hoặc ép dầu phục vụ cho gia đình và bán lẻ theo phương thức truyền thống.

Dự án cũng đạt ra mục tiêu xây dựng nhãn hiệu tập thể “Dầu lạc Tịnh Thọ” trong thời gian thực hiện từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2021. Theo đó, HTX xây dựng mô hình ép dầu, đóng chai, dán nhãn và liên kết tiêu thụ sản phẩm với qui mô 50 tấn lạc vỏ khô, tương đương với 35 tấn nhân lạc. Sản lượng dầu 17.500 lít dầu, trong đó HTX trực tiếp ép để tiêu thụ 50%, tương đương 8.750 lít và ép thuê cho người dân 50%, tương đương 8.750 lít. Dầu sau khi ép được đóng chai hoặc can loại 0,5 lít, 1 lít, 2 lít và 5 lít. Phế phụ phẩm từ 50 tấn lạc vỏ khô.

Trong khuôn khổ dự án, mô hình ủ chua thân lá lạc làm thức ăn cho gia súc sẽ do 10 hộ gia đình thực hiện, mỗi hộ ủ 2 tấn nguyên liệu/2 năm. Nông dân là những hộ canh tác lạc và có chăn nuôi từ 5 con bò trở lên. Mô hình xử lý phế phụ phẩm từ cây lạc làm phân bón hữu cơ cũng do 10 hộ thực hiện, mỗi hộ xử lý 5 tấn nguyên liệu/2 năm.

Dự án đề ra mục tiêu tập huấn cho 300 lượt nông dân tại 6 lớp (gồm nông dân tham gia mô hình và nông dân khu vực lân cận). Dự án đầu tư thiết bị máy móc mới gồm máy cày Kubota, thiết bị gieo hạt 1 hàng, máy thu hoạch lạc, máy bứt củ lạc, máy lột vỏ lạc, máy ép dầu lạc, máy đóng nắp chai cầm tay, máy băm chặt thân xác thực vật, hệ thống tưới phun mưa áp lực thấp... Tổng nguồn vốn để thực hiện Dự án trên 5,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoa học tỉnh trên 2 tỷ đồng, nguồn ngân sách huyện trên 1 tỷ đồng, vốn HTXDVNN Tịnh Thọ trên 745 triệu đồng và vốn từ dân trên 1,4 tỷ đồng.

Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ” được thực hiện dựa trên mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác thông qua mối liên kết doanh nghiệp - HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ - nông dân; đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất lạc. Kết quả đạt được của Dự án là cơ sở để nhân rộng trên toàn bộ diện tích canh tác lúa và màu kém hiệu quả theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương./.

Thu Phượng - Kim Cúc