Chị Hồ Thị Sinh ở tại thôn Tà Lang (xã Hải Phúc) có 3 sào đất màu. Trước đây gia đình chị chủ yếu trồng thuần lạc hoặc ngô nhưng năng suất mang lại không cao, chủ yếu chỉ đủ để dùng trong gia đình. Khi được chọn thực hiện mô hình trồng lạc xen ngô thì hiệu quả kinh tế của gia đình chị được nâng cao rõ rệt.

Chị Sinh cho biết, trước đây khi trồng lạc thuần thì mỗi sào chị chỉ thu được khoảng 40 – 50 kg. Từ khi được chọn thực hiện mô hình trồng lạc xen ngô chị được cán bộ hướng dẫn về kỹ thuật, cách chăm sóc, bón phân… nên hiện nay tính ra mỗi sào chị thu được từ 80 – 90 kg lạc, ngoài ra còn thu được từng đó ngô. Vì vậy bây giờ không chỉ đủ dùng cho gia đình mà mỗi vụ chị còn thu được từ 2 – 2,5 triệu từ tiền bán ngô và lạc. Chị chia sẻ, thời gian tới, mặc dù không còn được dự án hỗ trợ nữa nhưng chị vẫn sẽ tiếp tục trồng lạc xen ngô cũng như hướng dẫn, chia sẻ cho bà con khác trong thôn, xã làm theo.

Hướng dẫn chăm sóc cây trồng trong mô hình lạc xen ngô

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phúc - ông Cao Tiên Tiến: Là 1 xã nghèo của huyện Đakrông, cơ cấu cây trồng chủ yếu là lúa, ngô, lạc sắn nhưng do dân cư đa số là người Vân kiều nên trình độ và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Trước đây người dân chỉ trồng thuần lạc hoặc ngô, sử dụng các loại giống của địa phương đã bị thoái hóa, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài nên thường bị khô hạn vào cuối vụ. Tuy nhiên khi được tiếp cận với mô hình trồng lạc xen ngô, được hướng dẫn về kỹ thuật bón phân, chăm sóc ngô, lạc theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, được hỗ trợ các giống ngô, lạc mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao nên hiệu quả kinh tế của việc trồng lạc xen ngô mang lại cao gấp 1,5 – 2 lần so với trồng thuần lạc hoặc ngô. Do vậy từ 0,5 ha mô hình đầu tiên năm 2013, hằng năm bên cạnh từ 0,5 – 1 ha mô hình do dự án hỗ trợ thì bà con nông dân đã tự chủ động mở rộng diện tích trồng lạc xen ngô này lên. Tính đến thời điểm này diện tích trồng lạc xen ngô đã đạt gần 14 ha, chiếm hơn 48% diện tích trồng ngô và lạc của toàn xã.

Ông Nguyễn Hữu Tâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, một trong những cán bộ trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết: Mô hình trồng lạc xen ngô được triển khai trong 3 vụ Đông Xuân 2013 – 2014, 2014 – 2015 và 2015 - 2016 với quy mô từ 0,5 – 1 ha/vụ, tập trung vào các hộ nông dân nghèo thuộc nhóm sở thích của xã Hải Phúc. Sử dụng các giống lạc mới và ngô lai mới có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu sâu bệnh như lạc L14, L23, ngô lai CP888, NK54 nhằm giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua 3 vụ triển khai mô hình trồng lạc xen ngô cho thấy việc trồng xen lạc và ngô đã giúp cây trồng phát triển tốt, tận dụng tối đa ánh sáng, hạn chế cỏ dại phát triển; Giúp duy trì độ phì nhiêu cho đất vì cây lạc có vi khuẩn nốt sần tạo ra đạm, cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây ngô sử dụng. Bên cạnh đó, do thời gia sinh trưởng của lạc và ngô tương đương nhau nên rất thuận lợi trong các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc. Ước tính mỗi ha trồng lạc xen ngô sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận gần 42 triệu đồng, cao hơn so với trồng thuần lạc hoặc ngô từ 20 – 30 triệu đồng.

Ông Trần Thanh Hiền – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: Với những hiệu quả thiết thực mà mô hình trồng lạc xen ngô mang lại, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh sẽ có những giải pháp để mở rộng mô hình này ra toàn tỉnh, phấn đấu theo kế hoạch đến năm 2020 diện tích trồng lạc xen ngô toàn tỉnh đạt 5.000 ha. Góp phần đa dạng hóa cây trồng, giúp giảm rủi ro về thị trường và tăng hệ số sử dụng đất.

Thục Quyên

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị